Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cơ quan BHXH đã tích cực triển khai công tác thanh tra theo kế hoạch thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành và kiểm tra năm 2018.
Tính đến hết tháng 8/2018, tổng số đơn vị sử dụng lao động được thanh tra, kiểm tra của toàn ngành là 11.756 đơn vị.
Qua thanh tra, phát hiện có 21.589 lao động chưa đóng hoặc đóng thiếu thời gian đối với các loại BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, truy đóng số tiền hơn 53 tỷ đồng.
Có 637 lao động đóng không đúng đối tượng, đóng thừa thời gian với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 30.631 lao động đóng thiếu so với mức đóng đã được quy định, số tiền thiếu là hơn 34 tỷ đồng.
Trong 8 tháng đầu năm, cơ quan thanh tra của BHXH đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm hành chính. Có 550 đơn vị bị lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành 492 quyết định xử phạt với số tiền hơn 17,3 tỷ đồng và đã thu được 3,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tổng số nợ của các đơn vị được thanh tra, kiểm tra là hơn 1.575 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thời gian thanh tra, kiểm tra, nhiều đơn vị đã thực hiện nộp với số tiền hơn 519 tỷ đồng. Sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra, các đơn vị đã nộp thêm hơn 304 tỷ đồng.
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó giám đốc BHXH Việt Nam, đây là kết quả rất đáng ghi nhận. Cụ thể, kể từ khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực với quy định về chức năng thanh tra, cơ quan BHXH đã triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra và đạt kết quả rất tốt trong năm 2017, với tỷ lệ nợ đọng giảm mạnh chỉ còn 2,9% so với số phải thu.
Trong năm 2018, cơ quan BHXH đã tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra và qua đó, kết quả đóng phí có hiệu quả.
“Trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra, số nợ của các đơn vị là 1.575 tỷ đồng. Sau khi có quyết định, trong và sau thanh tra, số nợ thu hồi được đạt trên 55%”, ông Đào Việt Ánh cho biết.
Để thúc đẩy công tác thu hồi nợ đọng, BHXH Việt Nam đã áp dụng nhiều giải pháp bao gồm đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động, thu ngay khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng.
Tiếp đó là thanh tra, kiểm tra xử phạt kết hợp với công khai danh sách các doanh nghiệp nợ BHXH. Biện pháp công khai danh sách có tác động lớn, hiệu quả rất tích cực bởi nhiều doanh nghiệp e ngại việc nợ BHXH ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín doanh nghiệp.
Cơ quan thanh tra cũng phát hiện có 141 lao động chưa được cấp sổ BHXH, có 893 lao động chưa được cấp thẻ BHYT. Theo BHXH Việt Nam, đến nay đã thực hiện bàn giao 97% sổ BHXH về cho người lao động.
Tuy nhiên, ở một số nơi như Hà Nội, TP.HCM, vẫn còn hơn 30 ngàn sổ BHXH chưa được bàn giao đến tay người lao động. Tuy nhiên, tình trạng tồn đọng này chỉ còn ở Hà Nội và TP.HCM.
Nguyên nhân, theo bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng ban Sổ thẻ (BHXH Việt Nam), là do các doanh nghiệp chậm rà soát, bổ sung các mẫu thống kê để chuyển lại cho BHXH Việt Nam cập nhật dữ liệu.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng, thường xuyên phải di chuyển qua nhiều địa bàn nên việc tập hợp dữ liệu BHXH của người lao động còn chậm trễ.
Bên cạnh đó, với các đơn vị, doanh nghiệp còn đang nợ đọng BHXH, người lao động chưa thống nhất với các phương án chốt sổ BHXH. Chính vì vậy, việc bàn giao sổ đến tay người lao động còn vướng mắc, chậm trễ.
Được biết, tính đến hết tháng 8/2018, tỷ lệ người dân tham gia BHXH đạt tỷ lệ 87,25% dân số. BHXH Việt Nam đạt doanh thu 202.917 tỷ đồng, tương đương 61,5% kế hoạch cả năm.
Tính đến hết tháng 8/2018, BHXH đã chi trả BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp số tiền 201.973 tỷ đồng, đạt 68,61% kế hoạch cả năm.
Trong đó, chi BHXH từ nguồn Ngân sách là 29.920 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH là 101.822 tỷ đồng, chi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 5.801 tỷ đồng và ước chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 64.429 tỷ đồng.
Trong tháng 9, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, nhất là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình; phối hợp với ngành giáo dục đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2017 - 2018; triển khai bảo hiểm y tế học sinh - sinh viên năm học 2018 - 2019.