Sự ra đời của Thông tư 09/2007/TT-BTM, ban hành ngày 17/7/2007, hướng dẫn thi hành Nghị định số 23/2007/NĐ-CP đã khơi thông trở lại hoạt động cấp phép về quyền kinh doanh cho các DN FDI. Tuy nhiên, giới luật sư cho rằng, những quy định của Thông tư, đặc biệt những quy định về quyền nhập khẩu và những tiêu chuẩn cho việc thiết lập các cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất, đang gây thất vọng cho DN FDI.
Ông Lê Hồng Phong, luật sư Công ty Luật Bizconsult cho biết, Nghị định 23 quy định: Quyền nhập khẩu là quyền được nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hoá đó tại Việt Nam. Tuy nhiên, Thông tư 09 lại quy định, DN FDI chỉ được bán mỗi nhóm hàng nhập khẩu cho một thương nhân có đăng ký kinh doanh mua bán hoặc có quyền phân phối nhóm hàng đó. Mỗi nhóm hàng bao gồm các mặt hàng thuộc một chương của Biểu thuế nhẩu khẩu. Thêm vào đó, DN phải đăng ký thương nhân mà mình lựa chọn với cơ quan cấp phép có thẩm quyền.
“Biểu thuế nhập khẩu hiện hành có tới 97 chương, tương đương với 97 nhóm hàng. Rất nhiều DN FDI thường kinh doanh nhiều loại hàng hoá khác nhau, do vậy họ sẽ phải làm việc với rất nhiều thương nhân, rồi lại phải đăng ký với cơ quan cấp phép. Như vậy rất phức tạp”, ông Phong nói.
Ông Phong cũng cho rằng, những quy định về việc lựa chọn và đăng ký thương nhân của Thông tư không rõ ràng. Thông tư không đề cập tới việc khi nào DN phải đăng ký thương nhân mua bán và phân phối hàng cho họ, họ có quyền thay đổi thương nhân đã đăng ký hay không và việc đăng ký có giá trị trong bao lâu.
Theo ông Phong, Quyết định 10/2007/QĐ-BTM của Bộ Thương mại ban hành cuối tháng 5 vừa qua chỉ nêu 3 điều kiện đối với DN FDI cho việc thiết lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất, bao gồm: số lượng các nhà cung cấp dịch vụ đang hiện diện trong một khu vực địa lý, sự ổn định của thị trường và quy mô địa lý. Trong khi đó, Thông tư 09 nêu thêm 3 điều kiện: số lượng các cơ sở bán lẻ, mật độ dân số và sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch của tỉnh, thành phố.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, trong lần trả lời phỏng vấn Đầu tư gần đây, giải thích, sở dĩ Việt Nam chỉ cho phép DN FDI bán sản phẩm nhập khẩu cho một thương nhân chứ không phải nhiều thương nhân, vì nếu được bán một loại sản phẩm cho nhiều thương nhân, vô hình trung, đã giúp DN thiết lập một mạng lưới phân phối trá hình.
“DN có vốn đầu tư nước ngoài đã có quyền nhập khẩu, nếu có thêm quyền phân phối, sẽ có sức mạnh ghê gớm, có thể thao túng thị trường, thậm chí khống chế sản xuất”, ông Tuyển nói. Những quy định này được đưa ra còn nhằm mục đích bảo vệ hàng triệu các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, các nhà phân phối non trẻ của Việt
Luật sư Đặng Trọng Hiếu, Công ty Luật Vision & Associates cũng có những quan ngại tương tự về quyền nhập khẩu và việc thành lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, giải thích của Bộ Thương mại, ở một chừng mực nào đó, là có cơ sở, vì Chính phủ buộc phải cân đối giữa quyền lợi của DN trong nước và DN nước ngoài, không thể vì tạo điều kiện thuận lợi cho DN nước ngoài mà khiến cho các DN trong nước, vốn yếu thế hơn, rơi vào tình trạng phá sản. Ông Hiếu nhìn nhận, nếu những cam kết WTO cho phép Việt Nam sử dụng những điều kiện kinh tế hay kỹ thuật đối với các nhà đầu tư nước ngoài thì Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng những tiêu chuẩn hợp lý để sàng lọc và có được những nhà đầu tư chất lượng, đồng thời dành thêm thời gian cho DN nâng cao khả năng cạnh tranh, có thể thích nghi với môi trường kinh doanh nhiều áp lực.