Kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XV khai mạc sáng 23/5/2022 (Ảnh: quochoi.vn)
Thu ngân sách giảm 28,4 nghìn tỷ đồng; chi ngân sách giảm 64,2 nghìn tỷ đồng
Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV, chiều 23/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020.
Theo đó, kế hoạch ngân sách năm 2020 (được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV và điều chỉnh bổ sung tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV) như sau: Tổng thu NSNN là 1.539.052,8 tỷ đồng; tổng chi NSNN là 1.773.766,2 tỷ đồng; bội chi NSNN tối đa là 368.300 tỷ đồng, tương đương 5,41% GDP kế hoạch.
Thực hiện năm 2020, quyết toán thu NSNN là 1.510.579,2 tỷ đồng, giảm 1,9% (28.473,6 tỷ đồng) so với dự toán; trong đó, thu ngân sách trung ương giảm 92.076,6 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương tăng 63.603 tỷ đồng.
Quyết toán chi NSNN là 1.709.523,7 tỷ đồng, bằng 96,4% (giảm 64.242,5 tỷ đồng) so với dự toán; trong đó quyết toán chi ngân sách trung ương là 647.851,1 tỷ đồng, bằng 90% so với dự toán; quyết toán chi ngân sách địa phương là 1.061.672,6 tỷ đồng, bằng 100,7% so với dự toán.
Bội chi NSNN là 216.405,6 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP thực hiện, giảm 18.394,4 tỷ đồng so với dự toán đầu năm theo Nghị quyết số 86/2019/QH14 và giảm 151.894,4 tỷ đồng so với mức Quốc hội cho phép theo Nghị quyết số 128/2020/QH14.
Với kết quả quyết toán NSNN năm 2020 như trên, tổng thu NSNN 5 năm 2016-2020 đạt gần 6,92 triệu tỷ đồng, bằng 100,8% kế hoạch; tỷ lệ huy động đạt 25,3% GDP (mục tiêu là 23,5% GDP).
"Nhờ kiểm soát bội chi NSNN và cơ cấu lại nợ công, nên tỷ lệ nợ công đã giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP cuối năm 2020; kỳ hạn nợ được kéo dài, chi phí huy động giảm, củng cố an toàn, an ninh tài chính quốc gia, giúp tạo dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó kịp thời với dịch bệnh", báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Trên cơ sở các nội dung đã báo cáo, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2020 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 2.279.735,6 tỷ đồng; tổng số chi cân đối NSNN là 2.352.929,8 tỷ đồng; bội chi NSNN 216.405,6 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP.
Kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN hơn 25 nghìn tỷ đồng
Sau khi nghe Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh thay mặt Kiểm toán Nhà nước trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 của Chính phủ.
Kiểm toán Nhà nước đánh giá, dự toán NSNN năm 2020 được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, thiên tai, bão lũ xảy ra nghiêm trọng ở miền Trung, Tây Nguyên… tác động lớn đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN.
Song dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc; doanh nghiệp, người dân đồng hành ủng hộ đã góp phần hạn chế những tác động gây sốc, tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP đạt 2,91%, giảm so với kế hoạch 6,8% nhưng vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng dương); thu chi NSNN năm 2020 xấp xỉ dự toán, riêng thu nội địa vượt dự toán; chi NSNN cơ bản đảm bảo thực hiện theo dự toán.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020 do Chính phủ trình.
Đồng thời, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 và tổng hợp kết quả kiểm toán chủ yếu của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2021, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục phải chấn chỉnh, khắc phục trong những năm tới.
Ví dụ, việc lập và giao dự toán thu tiền sử dụng đất chưa sát với khả năng nguồn thu, các địa phương lập dự toán chỉ bằng 72% so với ước thực hiện năm 2019, mặc dù trung ương đã giao dự toán cao hơn số địa phương lập 18,3%, song thực hiện thu sử dụng đất năm 2020 vẫn vượt dự toán 80,4%, việc thu vượt dự toán lớn đã diễn ra nhiều năm. Dự toán hoàn thuế GTGT chưa sát với số phải hoàn trong năm dẫn đến hoàn thuế vượt dự toán Quốc hội quyết nghị 7.019 tỷ đồng.
Dự toán chi thì kế hoạch vốn trong năm phải điều chỉnh 3 lần, còn trường hợp giao kế hoạch vốn chậm, chưa bố trí đủ, thậm chí không bố trí kế hoạch vốn để thanh toán cho một số dự án đã hoàn thành.
Về chấp hành ngân sách, kết quả thu NSNN hụt 28.473 tỷ đồng, trong đó thu nội địa vượt 0,2% chủ yếu từ tiền sử dụng đất và thu khác, trong khi một số khoản thu chính từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 52,5% tổng thu nội địa nhưng đều hụt thu so với dự toán giao, khoản thu hồi vốn tại các DNNN chỉ đạt 37,1% so với dự toán giao đầu năm. Nguyên nhân khách quan hụt thu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các chính sách miễn, giảm thuế của nhà nước; song có nguyên nhân do việc hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, tính thiếu thuế...
Từ đó, Kiểm toán nhà nước kiến nghị chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán, trong đó: Xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN 25.396,3 tỷ đồng; xử lý khác 41.567,4 tỷ đồng; rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm.
Kiến nghị làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm vi phạm
Đọc báo cáo tóm tắt Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà nhận định, trong bối cảnh tình hình hết sức khó khăn do tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, kết quả thu NSNN năm 2020 đạt xấp xỉ dự toán (bằng 98,1%), tỷ trọng chi thường xuyên sau quyết toán chỉ gần 59,3% tổng chi NSNN (dự toán là 62,91%)... thể hiện rõ sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Tuy vậy, theo Uỷ ban Tài chính, Ngân sách, bên cạnh các kết quả đạt được, trong thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm lưu ý, như: (1) Thu ngân sách trung ương không đạt dự toán, chỉ chiếm gần 52,1% tổng thu NSNN, thấp hơn mục tiêu đề ra (60-65%), giảm dần vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; (2) Huy động từ thuế, phí chỉ đạt 19,1% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra là 21% GDP; (3) Công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất của các địa phương nhiều năm không sát khả năng thu, thấp hơn nhiều so với thực hiện năm trước.
Uỷ ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý cụ thể đối với tổ chức, cá nhân nhiều năm vi phạm trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN; thực hiện nghiêm các giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng NSNN theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội.
Việc Chính phủ đề xuất quyết toán bội chi NSNN năm 2020 là 216.405,6 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức bội chi được Quốc hội phê chuẩn, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong việc đánh giá ước tình hình thực hiện thu, chi NSNN năm 2020, khi chỉ còn 2 tháng kết thúc niên độ NSNN vẫn đề xuất Quốc hội điều chỉnh tăng bội chi ngân sách trung ương thêm 133.500 tỷ đồng, nhưng thực tế thực hiện thấp hơn dự toán ban đầu.
Đồng thời, đề nghị tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đối chiếu thông tin, số liệu ngân quỹ, tránh trường hợp hết niên độ quyết toán NSNN năm 2020 vẫn còn để sai sót, phải đề nghị giảm 6.520 tỷ đồng số liệu bội chi, vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương so với số liệu Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 143/BC-CP; quản lý chặt chẽ các khoản vốn vay; các khoản tạm ứng và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để giảm bội chi ngân sách trung ương, vay trả nợ Chính phủ và giảm chi phí trả lãi vay.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 2.280.027,5 tỷ đồng; tổng số chi cân đối NSNN là 2.352.929,8 tỷ đồng; bội chi NSNN là 216.113,6 tỷ đồng, bằng 3,43% GDP.