Trong đó 2 vấn đề chính liên quan đến vốn tự có, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và giới hạn cấp tín dụng được điều chỉnh cụ thể, đảm bảo an toàn trong hệ thống nhưng hơn thế là kích thích sự phát triển của TTCK.
Về vốn tự có và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu
Thông tư 36 ghi rõ, cấu phần vốn tự có được quy định cụ thể, tách thành một phụ lục riêng, có hướng dẫn cách xác định từng cấu phần theo bảng cân đối kế toán hoặc theo tài khoản để dễ thực hiện, giám sát, kiểm tra, thanh tra. Bên cạnh đó, bổ sung khoản mục dự phòng chung vào cơ cấu vốn tự có, điều chỉnh điều kiện về lãi suất của trái phiếu, công cụ nợ để tính vốn cấp 2.
Đồng thời, Thông tư quy định 2 tỷ lệ là an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ và an toàn vốn tối thiểu hợp nhất đều 9% trên cơ sở kế thừa Thông tư 13. Bổ sung chi nhánh NHNNg là đối tượng phải thực hiện tỷ lệ an toàn vốn phù hợp với Luật các TCTD năm 2010. Đặc biệt, bổ sung quy định: Trường hợp khoản phải đòi được đảm bảo bằng hai hay nhiều hình thức bảo đảm hoặc từ hai loại tài sản đảm bảo khác nhau trở lên, hệ số rủi ro của khoản phải đòi sẽ được phân bổ theo tỷ trọng bảo đảm của từng loại tài sản đảm bảo. Đồng thời, điều chỉnh hệ số rủi ro cao nhất từ 250% xuống còn 150%.
Yêu cầu TCTD, chi nhánh NHNNg: (i) duy trì một lượng vốn tự có tối thiểu để đảm bảo khả năng sẵn sàng bù đắp rủi ro phát sinh và quy mô gia tăng theo tốc độ tăng danh mục đầu tư; (ii) bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền; (iii) đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, phân tán rủi ro và đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNNg thông qua việc xây dựng cơ cấu danh mục tài sản hợp lý trên cơ sở hệ số rủi ro của các loại tài sản Có.
Việc bổ sung quy định khoản phải đòi được đảm bảo bằng 2 hay nhiều hình thức bảo đảm hoặc từ 2 loại tài sản đảm bảo khác nhau trở lên, hệ số rủi ro của khoản phải đòi sẽ được phân bổ theo tỷ trọng bảo đảm của từng loại tài sản đảm bảo nhằm phản ánh chính xác thực trạng tài sản có rủi ro theo hướng dẫn của Ủy ban Basel, đồng thời, khuyến khích các TCTD tận dụng các nguồn tài sản đảm bảo có chất lượng cao, có tác động giảm tài sản có rủi ro quy đổi của tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNNg.
“Việc điều chỉnh hệ số rủi ro cao nhất từ 250% xuống 150% (đây là những tài sản thuộc hoạt động cho vay, đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán) nhằm phù hợp với tình hình thị trường chứng khoán, bất động sản, góp phần thúc đẩy các thị trường này phát triển và đồng bộ với chính sách tiền tệ, các chính sách khác của Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh”, một lãnh đạo cao cấp NHNN nói.
Về giới hạn cấp tín dụng
Thông tư 36 yêu cầu TCTD, chi nhánh NHNNg phải lập, cập nhật thay đổi và công khai trong toàn hệ thống danh sách thành viên HĐQT, HĐTV, Ban kiểm soát, Ban điều hành, cổ đông sáng lập, cổ đông lớn, thành viên góp vốn, đồng thời báo cáo ĐHCĐ... Việc cấp tín dụng cho công ty con, công ty liên kết và các đối tượng trong danh sách trên phải được HĐQT, HĐTV, Tổng giám đốc phê duyệt, trừ các khoản cấp tín dụng thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ. Ban kiểm soát phải giám sát việc phê duyệt cấp tín dụng này.
Thông tư cũng quy định các trường hợp không được cấp tín dụng, là các đối tượng quy định tại Điều 126 Luật các TCTD và bổ sung quy định TCTD, chi nhánh NHNNg không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu DN chưa niêm yết.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể các trường hợp hạn chế cấp tín dụng theo quy định tại Điều 127 Luật các TCTD. Cụ thể: (i) các điều kiện ưu đãi đối với các đối tượng không được cấp tín dụng ưu đãi; (ii) việc cấp tín dụng đối với những đối tượng hạn chế phải được HĐQT, HĐTV, Tổng giám đốc thông qua và công khai trong TCTD, chi nhánh NHNNg; (iii) tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với các đối tượng này không được vượt quá 5% vốn tự có của TCTD, chi nhánh NHNNg...
Mục tiêu của sửa đổi các điều này được NHNN cho biết, nhằm hạn chế rủi ro tín dụng do tập trung vào một khách hàng, một nhóm khách hàng có liên quan; kiểm soát dòng tiền và việc sử dụng tín dụng đúng mục đích; minh bạch hóa việc cấp tín dụng đối với cổ đông sáng lập, cổ đông lớn, thành viên HĐQT, HĐTV, Ban kiểm soát, Ban điều hành... và người có liên quan của những người này, cấp tín dụng cho công ty con, công ty liên kết, DN nắm quyền kiểm soát;
Hơn thế, minh bạch hóa dòng tín dụng của TCTD, chi nhánh NHNNg; hạn chế và ngăn chặn việc cấp tín dụng sai đối tượng, vượt quá giới hạn theo quy định của Luật các TCTD; hạn chế việc đảo nợ và bảo đảm việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro được chính xác hơn, đầy đủ hơn; kiểm soát chặt chẽ và hạn chế tác động tiêu cực của sở hữu chéo, nắm giữ, thâu tóm lẫn nhau giữa việc TCTD thông qua việc cấp tín dụng để khách hàng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, sau đó nhận ủy quyền đại diện cổ đông cho khách hàng nắm giữ cổ phiếu tại TCTD khác; hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức trong đầu tư, kinh doanh chứng khoán...
Thông tư 36 gồm 5 Chương, 32 Điều. - Chương I: Quy định chung, gồm 5 Điều, quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; quy định nội bộ; các yêu cầu về công nghệ thông tin. - Chương II: Quy định cụ thể, gồm 7 Mục, 16 Điều (từ Điều 6 đến Điều 21), quy định về vốn tự có và 6 giới hạn, tỷ lệ an toàn. - Chương III: Quy định chuyển tiếp, báo cáo, thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm, gồm 7 Điều. - Chương IV: Quy định về trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHNN và trách nhiệm của TCTD, chi nhánh NHNNg, gồm 2 Điều. - Chương V: Điều khoản thi hành và tổ chức thực hiện, gồm 2 Điều. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/02/2015. |