Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), chuyên gia tư vấn Dự án bình luận: “Vấn đề DN quan tâm nhất là kết quả phân loại hàng hóa của hải quan thì dự thảo Thông tư lại không có quy định”.
Về phía DN, đại diện Công ty Tiếp vận Thăng Long bày tỏ, vấn đề họ lo ngại nhất là dự thảo thông tư hướng dẫn dường như còn gây khó khăn hơn cho DN so với cơ chế xin giấy phép cơ quan chuyên ngành trước đây.
“Về quy định phân loại máy móc nhập khẩu theo tổ hợp, trước kia, DN cần xin chứng nhận xác định thiết bị đồng bộ của Bộ Công Thương rồi mới làm thủ tục thông quan. Nghe thì có vẻ nhiêu khê, nhưng thực tế, quy trình này còn thuận lợi hơn so với việc chuyển toàn bộ sang hải quan hiện nay”, vị đại diện này cho hay.
Lý giải về sự mâu thuẫn trên, DN này cho biết, theo cơ chế mới, quá trình thực hiện giờ đây rất vướng do hải quan đưa việc phân loại về các chi cục, mà mỗi chi cục lại có hướng giải quyết rất khác nhau. Bên cạnh đó, việc phân loại đối với hàng hóa là máy móc, thiết bị nguyên chiếc theo tổ hợp nhập khẩu dạng tháo rời hiện nay thực hiện cũng không thống nhất, nơi thì đồng ý cho khai báo nguyên chiếc, song có nơi lại bắt phải tách rời. Việc hải quan nhiều chi cục yêu cầu DN khi khai báo phải tách ra, cam kết giá và tính thuế tới từng con bu long, ốc vít theo kiểu tận thu không chỉ gây khó cho DN mà còn tạo cảm giác rất khó chịu, việc áp mã không thống nhất, khiến DN rất lúng túng khi khai báo hải quan.
“Chúng tôi rất nản về tình trạng hàng về đến cảng hàng tháng trời mà vẫn không thông quan được, số tiền miễn thuế thậm chí còn không bằng số tiền lưu kho phải chịu”, đại diện DN này bức xúc.
Trước sự bức xúc của DN, ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan thừa nhận, có tình trạng hải quan các nơi thực hiện không thống nhất về phân loại máy móc thiết bị nguyên chiếc và việc chậm giải quyết của cơ quan hải quan có thể là do không quy định ngày kiểm tra dẫn đến hải quan không trả lời hoặc trả lời rất lâu.
“Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Thông tư quy định, DN chỉ cần đăng ký danh mục máy móc thiết bị với cơ quan hải quan, trong vòng 5 ngày, kể từ ngày tiếp nhận danh mục, hải quan phải kiểm tra và cấp phiếu trừ lùi, sau đó cứ theo hàng thực tế so với danh mục đăng ký và sẽ được phân loại. Đây là một cách để khắc phục vấn đề thời gian, chứ không có chuyện tùy ý muốn bao lâu trả lời cũng được”, ông Tưởng khẳng định.
Tuy nhiên, theo nhiều DN, nếu để cơ chế DN tự đăng ký, tự chịu trách nhiệm thì Thông tư cũng phải quy định rõ, nếu không hải quan địa phương với tâm lý sợ trách nhiệm sẽ lại làm khó cho DN. “Cần có cơ chế rõ ràng trong thông tư, chứ nếu cứ mập mờ thế này thì thành câu chuyện làm khó cho DN, nếu không thà cứ quay về cơ chế cũ”, một DN bày tỏ và cho biết DN không ngại việc xin giấy phép, quan trọng là chỉ cần giải quyết nhanh để không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của DN.
Đại diện Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cũng cho rằng, quy định tại dự thảo Thông tư yêu cầu DN đăng ký khi khai báo nhập khẩu tổ hợp máy móc thiết bị nguyên chiếc dưới dạng tháo rời là đồng nghĩa tăng thêm thủ tục cho DN. “Đây là thủ tục mới, trước đây chưa có. Theo quy tắc 2A đã có hướng dẫn phân loại sản phẩm hoàn chỉnh rất cụ thể, rõ ràng. Giờ lại yêu cầu DN thêm thủ tục đăng ký danh mục linh kiện rời, rồi xin phiếu trừ lùi là không logic và mất thời thêm thời gian của DN”, đại diện Deloitte phân tích.
Theo khuyến cáo của công ty này, hiện Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cắt giảm thời gian và thủ tục thông quan hàng hóa, nên Ban soạn thảo cần xem xét lại việc tăng thêm thủ tục đối với DN tại thông tư mới. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư quy mô lớn của DN nước ngoài đang triển khai ngày càng nhiều như dự án của Samsung, LG. Theo đó, họ rất cần nhập khẩu máy móc, thiết bị giai đoạn này. Chỉ cần lưu kho thêm 1 ngày sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch lắp ráp, sản xuất của DN, từ đó tác động không tốt tới môi trường đầu tư, kinh doanh.