Thông tư 52: Doanh nghiệp nói gì?

Thông tư 52: Doanh nghiệp nói gì?

(ĐTCK) Theo nhiều DN, cơ quan quản lý cần xem lại quy định về thời gian trong công bố thông tin và cả những nội dung cần thông tin.

UBCK vừa hoàn tất việc tập huấn công bố thông tin (CBTT) theo quy chuẩn mới là Thông tư 52/2012/TT-BTC, sẽ được áp dụng từ 1/6/2012. Nhưng theo nhiều DN, cơ quan quản lý cần xem lại quy định về thời gian trong CBTT và cả những nội dung cần thông tin.

Thông tư 52: Doanh nghiệp nói gì? ảnh 1

“Có thể phát sinh thêm chi phí”

Ông Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc Tài chính, CTCP XNK Y tế Domesco (DMC)

Dù có những quy định ngặt nghèo hơn, nhưng chúng tôi ủng hộ những thay đổi trong quy định về CBTT ở Thông tư 52. Vì nó sẽ giúp DN minh bạch và trách nhiệm hơn trong CBTT. Nếu mọi DN đều tuân thủ CBTT theo Thông tư 52, tin đồn trên TTCK về hoạt động của DN sẽ ít đi và nhà đầu tư sẽ có cơ sở hơn trong việc ra quyết định.

Lâu nay, DMC vẫn là một trong những DN làm tốt công tác CBTT. Vì thế, chúng tôi tin, DMC sẽ tuân thủ được các quy định của Thông tư 52. Chẳng hạn, trong quy định rút ngắn thời gian nộp BCTC, vấn đề không ở con số tập hợp được mà DMC sẽ phải làm việc chặt chẽ hơn với kiểm toán. Có thể vì áp lực thời gian, kiểm toán sẽ yêu cầu DN trả thêm chi phí cho các BCTC có kiểm toán.

Với các thông tin phải công bố trong 24 giờ, 48 giờ… DMC vẫn đảm bảo tuân thủ. Trong trường hợp sự việc diễn ra ngoài thời gian làm việc, chúng tôi thường thực hiện theo cách gửi nội dung cơ bản trước. Nội dung hoàn chỉnh sẽ bổ sung sau. Thông thường, UBCK, các Sở GDCK cũng chấp nhận cách làm này.

 

“CBTT bất thường cần tính theo giờ làm việc”

Ông Nguyễn Quang Quyền, Giám đốc Đầu tư, CTCP Cơ điện lạnh REE

Từ trước đến nay, REE vẫn CBTT theo đúng như những chuẩn mực của Thông tư 52. Vì thế, đối với chúng tôi, Thông tư 52 ban hành không có ảnh hưởng gì nhiều.

Trong công bố các BCTC, chúng tôi đã có những quy trình rất cụ thể. Hàng ngày, các số liệu, bút toán đều được tập hợp, kiểm tra. Số trong ngày đều là các con số hợp lệ, không có sai sót. Hàng tháng, chúng tôi có báo cáo số liệu. Trên cơ sở đó, số liệu báo cáo quý, bán niên, năm đều thuận lợi, mau chóng. Đối với BCTC kiểm toán, chúng tôi mời kiểm toán tham gia ngay khi kết thúc kỳ. Thậm chí, ngay trong các tháng 12, kiểm toán đã có thể cùng tham gia với REE. Vì thế, số liệu giữa REE công bố với số liệu từ kiểm toán không vênh nhau. Và nó cũng giúp đảm bảo thời gian trong CBTT.

Về công bố thông tin bất thường, tôi hiểu 24 giờ là 24 giờ làm việc. Chứ nếu không tính theo giờ làm việc, thử hỏi khi một sự kiện trong diện cần CBTT xảy ra, có ai ở cơ quan để thực hiện việc công bố? Ngoài giờ làm việc là phút riêng tư. Họ có quyền tắt di động, đi chơi. Chưa kể, CBTT ra bên ngoài là cả quy trình từ trên xuống. Phải có người ký, người duyệt, xem xét, chịu trách nhiệm rồi mới đưa lên, chứ đâu thể đưa lên ngay.

 

“Tính giờ nên loại trừ Chủ nhật, ngày lễ”

Bà Trần Thị Hường, Thành viên HĐQT CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR)

Một khi Thông tư ban hành ra, khó mấy chúng tôi vẫn phải chấp hành. PDR có khả năng đáp ứng những yêu cầu CBTT của Thông tư 52. Tuy nhiên, tôi cho rằng, có những điểm trong Thông tư 52 không hợp lý lắm. Điển hình là quy định phải công bố nghị quyết ĐHCĐ trong vòng 24 giờ sau khi được thông qua. Thử hỏi, nếu ĐHCĐ tổ chức thứ Bảy, Chủ Nhật thì làm sao chúng tôi có thể đăng kịp khi sau đó là ngày nghỉ, văn phòng đóng cửa. Mọi người có thể tranh thủ hoặc tìm cách đối phó như làm mẫu sẵn, đóng mộc sẵn, chỉ cần điền thông tin rồi sau đó về cơ quan đẩy thông tin lên, nhưng cách làm như vậy sẽ dễ có sai sót. Vả lại, Chủ Nhật hay ngày lễ, TTCK không hoạt động, nhà đầu tư cũng không có nhu cầu tìm hiểu thông tin. Buộc DN cứ phải CBTT trong những tình huống cập rập như vậy là không hợp lý.

Liên quan đến quy định về thời gian nộp BCTC, trước mắt, đã thấy DN phát sinh chi phí. Một số đơn vị kiểm toán lấy lý do cần đảm bảo đúng thời gian kiểm toán đã chào giá kiểm toán cao hơn. Để đáp ứng nhu cầu lớn từ TTCK, khi vào mùa kiểm toán, nhiều công ty kiểm toán đã phải làm việc thâu đêm. Nếu siết thời gian, họ bắt buộc phải tuyển thêm nhân viên. Tuyển và chỉ sử dụng nhân viên chủ yếu trong mùa cao điểm khiến công ty kiểm toán phát sinh thêm chi phí, buộc họ tăng giá để bù lại. Như vậy, thực chất là DN phải chịu khoản tăng này. Tôi cho rằng, các quy định cần hợp lý, vừa sức với DN. Chỉ như vậy, DN mới có khả năng thực hiện nghiêm túc.