Thị trường bảo hiểm xe cơ giới còn nhiều tiềm năng, tỷ lệ xe ô tô tham gia bảo hiểm vật chất hiện vào khoảng 50 - 60%

Thị trường bảo hiểm xe cơ giới còn nhiều tiềm năng, tỷ lệ xe ô tô tham gia bảo hiểm vật chất hiện vào khoảng 50 - 60%

Thông tư 50: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ

(ĐTCK) Thông tư số 50/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính mang tính kế thừa những nội dung còn phù hợp của các thông tư cũ, đồng thời sửa đổi, bổ sung những nội dung mới nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định

Cuối tuần qua đã diễn ra Hội nghị tập huấn dành cho khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ về Thông tư số 50/2017/TT-BTC (Thông tư 50) của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Theo ông Phùng Ngọc Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), Thông tư 50 mang tính kế thừa những nội dung còn phù hợp của các thông tư cũ, đồng thời sửa đổi, bổ sung những nội dung mới nhằm tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm, đảm bảo phát huy được chức năng quản lý, giám sát của Nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm phát triển, tạo điều kiện để thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Cụ thể, thông tư mới đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung so với quy định hiện hành về trích lập dự phòng nghiệp vụ, biên khả năng thanh toán, nguyên tắc hạch toán doanh thu, chi phí..., đảm bảo rõ ràng, chi tiết hơn, đồng thời tăng cường năng lực quản trị và an toàn tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Ngoài ra, Thông tư 50 sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến hoa hồng bảo hiểm; đăng ký, phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm; thanh toán phí bảo hiểm; công bố thông tin theo hướng tăng cường tính minh bạch, doanh nghiệp chủ động thực hiện, cơ quan quản lý thực hiện công tác kiểm tra, giám sát thông qua hậu kiểm...

Những thay đổi này nhằm tạo sự chủ động và giảm thiểu thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp bảo hiểm theo Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Đơn cử, theo quy định cũ tại Thông tư 124/2012/TT-BTC, bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán số phí bảo hiểm nói trên cho doanh nghiệp bảo hiểm theo thời hạn đã thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nhưng tối đa không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được phí bảo hiểm.

Thực tế cho thấy, 5 ngày là quá ngắn và khó khả thi. Vì thế, Thông tư 50 đã nâng thời hạn này lên 30 ngày, phù hợp hơn cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Dữ liệu bảo hiểm xe cơ giới sẽ đầy đủ, cập nhật

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, ông quan tâm đến quy định upload (đưa) dữ liệu lên dữ liệu bảo hiểm xe cơ giới của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), chỉnh sửa dữ liệu đúng quy định để không gặp lỗi trong quá trình upload, tăng cường việc sử dụng khai thác dữ liệu, phát huy tính hiệu quả của hệ thống.

Được biết, sau quý III/2017, IAV sẽ thông báo doanh nghiệp nào không upload dữ liệu hoặc chưa cập nhật, hoặc cập nhật không đầy đủ lên hệ thống cơ sở dữ liệu IAV để Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm có cơ sở kiểm tra những doanh nghiệp nào không thực hiện.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, IAV đang tổng hợp một số vấn đề quan trọng của khối bảo hiểm phi nhân thọ cần sớm giải quyết. Cụ thể, IAV sẽ đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tích cực chia sẻ thông tin liên quan đến nghi ngờ trục lợi bảo hiểm (các vụ việc có thực không nêu đích danh tên khách hàng) cũng như hỗ trợ phản hồi các doanh nghiệp bảo hiểm khác khi có yêu cầu để giải quyết các phát sinh liên quan, chia sẻ thông tin về các cơ sở có hành vi tiếp tay trục lợi bảo hiểm.

Liên quan đến hóa đơn điện tử, IAV đề nghị khối doanh nghiệp này cần chủ động trong việc xây dựng biện pháp phòng chống rủi ro khách hàng sử dụng hóa đơn điện tử in ra nhiều lần để thanh toán với doanh nghiệp bảo hiểm. Một số giải pháp mà doanh nghiệp đang áp dụng như yêu cầu phải có dấu xác nhận của cơ sở y tế hoặc yêu cầu phải có tờ khai chi phí y tế bản gốc. 

Tổng hợp từ các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, thị trường bảo hiểm xe cơ giới còn rất nhiều tiềm năng: tỷ lệ xe ô tô tham gia bảo hiểm vật chất mới chỉ chiếm khoảng 50 - 60%, số lượng xe mô tô tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự chiếm khoảng 30 - 40%, do đó cần nghiên cứu đề ra giải pháp thúc đẩy tăng tỷ lệ xe tham gia bảo hiểm như: tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm các trường hợp không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Ngoài ra, giảm một số thủ tục để việc chi trả bồi thường được nhanh chóng, nhất là bồi thường đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe mô tô.

Tin bài liên quan