Vướng mắc trọng tâm
Ông Dennis Hussey cho biết, chính sách của NHNN đưa ra là tốt, tuy nhiên, vẫn cần làm rõ một vài điểm. Chẳng hạn, Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử lý hành chính sai phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, nhằm nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật và giám sát đối với hoạt động ngân hàng đã có một bước đi toàn diện, cụ thể, nhưng có một điểm chưa rõ là khái niệm “tự phát hiện”.
Phần lớn các ngân hàng thương mại nước ngoài đều tập huấn, khuyến khích nhân viên chủ động báo cáo, đưa các vấn đề - dù lớn hay nhỏ - trong quá trình hoạt động nghiệp vụ lên cấp trên. Tuy nhiên, BWG nhận thấy, Nghị định 96 không hề nhắc đến cách thức xử lý những vấn đề “tự phát hiện” được ở các NHTM.
“Chúng tôi đề nghị làm rõ nội dung này để khuyến khích nhân viên các NHTM chủ động báo cáo, trình báo các vấn đề. Cần khuyến khích cả nhân viên lẫn ban lãnh đạo các ngân hàng xử lý các vấn đề của tổ chức một cách chủ động, tích cực, thay vì chỉ áp dụng chế tài”, ông Dennis Hussey chia sẻ.
… và đặc biệt về Thông tư 36
Liên quan đến Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, ông Dennis Hussey đã nhấn mạnh về Điều 17.6 quy định tỷ lệ tối đa so với nguồn vốn ngắn hạn mà chi nhánh ngân hàng nước ngoài và NHTM được mua, đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP) là 15% và 35%.
Theo BWG, quy định này không phù hợp với Hiệp ước Basel II và III - các ngân hàng có thể nắm giữ một lượng lớn TPCP nhiều nhất có thể. Thêm nữa, các ngân hàng có lẽ là bên mua bán TPCP (nếu không muốn nói là duy nhất) và quy định này có thể sẽ tác động tiêu cực đến kế hoạch của Chính phủ trong việc huy động vốn để giải bài toán thâm hụt ngân sách năm tới.
Bên cạnh đó, việc mua bán TPCP không được giữ đến ngày đáo hạn, tức là những trái phiếu theo Phụ lục 3, Thông tư 36 được hạch toán danh mục đầu tư chứng khoán sẵn sàng để bán có kỳ hạn còn lại dưới hoặc bằng một năm trong tổng số lượng trái phiếu đang nắm giữ hay TPCP để bán sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 17.6. BWG đề nghị NHNN làm rõ nội dung này.
Đồng thời, nếu TPCP là tài sản có thanh khoản và chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quy trình nghiệp vụ từ thị trường đến thị trường phù hợp để thực hiện hoạt động mua bán trái phiếu, làm thế nào các ngân hàng có thể sử dụng nguồn vốn dài hạn để mua trái phiếu nếu trái phiếu có thể bị bán bất kỳ lúc nào. Ngân hàng phải làm gì với nguồn vốn dài hạn nếu trạng thái trái phiếu bằng 0? Về mặt quản lý thanh khoản, đây là cách làm thiếu an toàn, không hiệu quả đối với ngân hàng. Ngay cả khi NHNN quan tâm đến vấn đề thanh khoản trái phiếu thì cũng cần phải có một tỷ lệ riêng cho từng kỳ hạn trái phiếu.
“Ví dụ, kỳ hạn trái phiếu là 8 tháng nhưng chúng tôi không thể sử dụng 100% vốn huy động kỳ hạn 8 tháng để mua trái phiếu. Ngoài ra, trường hợp TPCP giữ đến ngày đáo hạn, chúng tôi hiểu rằng, tỷ lệ theo Điều 17.6 sẽ được tính sau khi tính toán nguồn vốn trung và dài hạn nên đề nghị NHNN làm rõ nội dung này. Đồng thời, lý do của việc phải có một tỷ lệ mới cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài và NHTM trong nước mà cụ thể hệ số này chỉ là 15% đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, BWG nêu ý kiến.
Hơn thế, NHNN đã có những trao đổi với các NHTM trong nước “chạy thử” những quy định trước khi chính thức ban hành Thông tư 36, nhưng các chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được biết những động thái này. Là một nhóm ngân hàng trong hệ thống, BWG cho rằng, cần được bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng để khuyến khích mọi thành phần thị trường, đặc biệt khi các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng đang tham gia góp phần phát triển hệ thống tài chính Việt Nam.
Đặc biệt, với việc Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, BWG cho rằng, thời hạn này là quá gấp để các ngân hàng kịp chuẩn bị tình trạng thanh khoản và có thể gây sốc cho thị trường do các ngân hàng phải giảm trạng thái trái phiếu trong một thời gian ngắn để bảo đảm chấp hành đúng quy định mới.
Phản hồi từ cơ quan quản lý
Đại diện NHNN tại VBF, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc chia sẻ, trong nỗ lực thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, NHNN đặt mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và từng bước hướng tới các thông lệ quốc tế.
Với mục tiêu đó, mới đây “Thông tư 36/2014/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được ban hành để giúp các ngân hàng quản trị tốt rủi ro theo chuẩn quốc tế; giảm sự gia tăng nợ xấu, đặc biệt là ngăn chặn được các yếu tố về sở hữu chéo và lợi ích nhóm, đồng thời thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững hơn”, bà Hồng nói.
Các quy định về tỷ lệ dự nợ cho vay và các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng là phù hợp với đặc thù của thị trường Việt Nam, có thêm cơ sở nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới, đồng thời tạo tâm lý yên tâm hơn cho khách hàng gửi tiền. Ngoài ra, Thông tư 36 thể hiện tính tích cực thông qua việc yêu cầu các TCTD nâng cao năng lực quản trị rủi ro, hướng tới lộ trình áp dụng Basel II từ nay đến năm 2018.
“Với những ý kiến của BWG tập trung vào các văn bản NHNN ban hành trong thời gian qua và dự kiến ban hành trong thời gian tới liên quan đến xử phạt hành chính, quản lý ngoại hối, thanh toán, trong tuần trước, NHNN đã có buổi làm việc hiệu quả với BWG để trao đổi và làm rõ các vấn đề mà các chi nhánh ngân hàng nước ngoài quan tâm. Thời gian tới, NHNN sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến góp ý, làm cơ sở để xem xét, điều chỉnh các quy định cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, qua đó góp phần tạo dựng môi trường hoạt động kinh doanh lành mạnh của các TCTD và đảm bảo an toàn của toàn hệ thống”, bà Hồng nhấn mạnh.