Đó là những chia sẻ của ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam) với ĐTCK xung quanh Thông tư 36/2014/TT-NHNN vừa được NHNN ban hành.
Để nói về Thông tư 36, ông sẽ có những ý kiến gì?
Thông tư 36 có rất nhiều điểm tích cực. Thứ nhất, công thức tính tỷ lệ thanh khoản chặt chẽ hơn giúp lành mạnh hóa tình hình tài chính các ngân hàng và đảm bảo các ngân hàng có đủ thanh khoản. Một số quy định về tỷ lệ rất tiến bộ, thậm chí hướng tới tiêu chuẩn Basel III, như tỷ lệ khả năng chi trả trong vòng 30 ngày; quy định về giá trị thực của vốn điều lệ; quy định về các biện pháp xử lý nếu vốn thực giảm xuống một mức nào đó… Điều này sẽ tạo áp lực buộc ngân hàng phải có các biện pháp xử lý kịp thời.
Thứ hai, những quy định về giới hạn cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu. Cụ thể, quy định các ngân hàng muốn cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu phải có nợ xấu dưới 3% và đầu chặn là tổng khoản cho vay đó không quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng. Quy định này nhằm tránh tình trạng ngân hàng đầu tư lòng vòng, hạn chế sở hữu chéo và đảm bảo an toàn trong cho vay.
Thứ ba, về tỷ lệ dư nợ cho vay trên tiền gửi. Thông tư 36 quy định mức tối đa 90% và không cho tính tiền gửi của Kho bạc Nhà nước vào trong tổng tiền gửi, nhằm làm giảm tính hấp dẫn của việc các ngân hàng nắm giữ tiền gửi của Kho bạc, tạo áp lực để tiền gửi của Kho bạc quay về NHNN. Hiện tại, NHNN gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát tổng cung tiền trên thị trường khi Bộ Tài chính phát hành trái phiếu nhưng tiền không quay về NHNN, mà ở lại NHTM.
Tỷ lệ khả năng chi trả trong vòng 30 ngày cũng có điểm tiến bộ. Phục vụ cho công tác quản lý khả năng chi trả, Thông tư 36 tách tỷ lệ dự trữ thanh khoản và tỷ lệ khả năng chi trả trong vòng 30 ngày, theo đúng chuẩn mực quốc tế, quy định tập trung vào đồng Việt Nam và ngoại tệ, tạo thành điểm đơn giản để ngân hàng dễ quản lý.
Thứ tư, Thông tư 36 bổ sung quy định về tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu chính phủ theo nguồn vốn ngắn hạn cho từng nhóm TCTD. Theo đó, NHTM nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15%; NHTM cổ phần, ngân hàng liên doanh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 35%... Quy định này giúp ngân hàng tránh tập trung vào trái phiếu, mà dành một lượng vốn thích hợp để đầu tư vào các khu vực kinh tế khác, đặc biệt là khu vực tư nhân vốn tăng trưởng tốt và có năng suất lao động cao.
Có ý kiến cho rằng, Thông tư 36 sẽ giúp TTCK hoạt động đúng chức năng hơn. Ông có bình luận gì?
Thông tư 36 giúp các ngân hàng tập trung cho vay đúng đối tượng thay vì cho các DN sân sau vay hoặc đầu tư sở hữu chéo ngân hàng. Như vậy, Thông tư 36 sẽ là một công cụ định hướng giúp các ngân hàng không có những hoạt động nằm ngoài định hướng của NHNN.
Thông tư cũng tạo áp lực lên các ngân hàng buộc phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn, trong đó có quy định lượng vốn tối thiểu. Trong trường hợp ngân hàng không đáp ứng được các điều kiện này sẽ phải chịu một số biện pháp xử lý từ NHNN, như sáp nhập, hợp nhấp hoặc bán lại...
Theo tôi, TTCK chịu sự tác động của nhiều yếu tố, không riêng chính sách tiền tệ của NHNN, chẳng hạn chính sách kinh tế vĩ mô, trần sở hữu của NĐT nước ngoài, biến động trên thị trường quốc tế… Do vậy, khó kỳ vọng chỉ cần có Thông tư 36 sẽ làm ổn định TTCK, nhưng cũng không thể phủ nhận Thông tư 36 ra đời là điều cần thiết để hỗ trợ TTCK hoạt động đúng chức năng, phát triển lành mạnh, vững chắc.
Ông có quan ngại việc quản lý chặt chẽ hơn sẽ làm giảm đầu tư vào trái phiếu?
Thực tế, đầu tư vào trái phiếu là kênh kinh doanh tốt cho các ngân hàng vài năm trở lại đây trong bối cảnh cầu tín dụng yếu.
Tuy nhiên, mức đầu tư này diễn ra thường xuyên sẽ khó kiểm soát. Đặc biệt, việc nhiều ngân hàng đầu tư số lượng lớn tiền gửi ngắn hạn vào trái phiếu có thể dẫn đến rủi ro về thanh khoản nếu các ngân hàng cùng lúc cần bán trái phiếu. Chưa kể, khoản lỗ trên đầu tư trái phiếu sẽ rất lớn nếu không được quản lý tốt.
Bởi vậy, việc đưa ra mức trần cho đầu tư trái phiếu là định hướng tốt cho các ngân hàng, nhưng mức chính xác là bao nhiêu còn tùy vào nhu cầu tín dụng từng thời điểm. Do vậy, cần phải có thời gian để Thông tư 36 đi vào thực tế cuộc sống sẽ có những phản ánh từ thị trường xem tỷ lệ nào là phù hợp.
Tôi cũng như lãnh đạo nhiều nhà băng khác đều cho rằng, Thông tư 36 không tác động quá lớn đối với việc đầu tư vào trái phiếu của ngân hàng, bởi việc này đã được NHNN thăm dò ý kiến các NHTM trước khi ban hành Thông tư.