Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB cho biết, Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) từ ngày 1/1/2020 tối đa ở mức 85% đối với tất cả các ngân hàng là bước thay đổi so với trước đây. Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, tỷ lệ này là 90% đối với khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, còn khối ngân hàng thương mại tư nhân là 80%.
“Ðiều này cho thấy không còn sự phân biệt đối xử giữa các tổ chức tín dụng với nhau. Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của SCB hiện vẫn đảm bảo dưới 80%”, ông Hoàn nói.
Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, Ngân hàng Nhà nước đã có đánh giá khách quan hơn đối với hoạt động tín dụng của khối ngân hàng thương mại cổ phần, các ngân hàng đã đạt chuẩn Basel 2 sẽ hưởng lợi chủ yếu.
Dù các ngân hàng có vốn nhà nước được cấp dư địa cung tín dụng khá lớn, với LDR lên tới 90%, nhưng khả năng cung tín dụng bị hạn chế do gặp nhiều khó khăn trong việc tăng vốn theo chỉ tiêu an toàn vốn của chuẩn Basel 2.
Cụ thể, room tín dụng nhiều khả năng sẽ được mở thêm vào năm 2020, theo đó, nới lỏng tỷ lệ LDR sẽ giúp nhóm ngân hàng này có nhiều cơ hội đẩy mạnh tín dụng hơn.
Tỷ lệ LDR là một trong những hệ số quan trọng dùng để đánh giá chỉ tiêu an toàn của ngân hàng. LDR càng cao thì khả năng sinh lời của ngân hàng càng lớn, nhưng đánh đổi là rủi ro thanh khoản cũng cao hơn.
Trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam, tín dụng là tài sản sinh lời chính nhưng cũng là tài sản kém linh hoạt nhất của ngân hàng. LDR tăng, năng lực bảo vệ mình trước nguy cơ rút tiền gửi đột ngột sẽ giảm tương ứng.
Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 9/2019, tỷ lệ LDR của khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối là 91,47%, còn ở khối ngân hàng thương mại cổ phần là 84,61%; khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài là 65,72%; công ty tài chính, cho thuê tài chính là 303,35%; tổ chức tín dụng hợp tác là 102,81% và toàn hệ thống là 88,13%.
Theo đó, với quy định mới của Thông tư 22/2019/TT-NHNN, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân sẽ thêm cơ hội được đẩy mạnh tín dụng thêm, mà không phải tăng nguồn vốn huy động.
Bảng tỷ lệ LDR của một số ngân hàng.
Một báo cáo của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối, đặc biệt là 2 ngân hàng chưa đạt chuẩn Basel 2 là VietinBank và BIDV sẽ chịu tác động từ thông tư trên.
Tính toán cụ thể tỷ lệ LDR theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN cho thấy, LDR của 2 ngân hàng này đang ở mức 84% và 85,5% trong nửa đầu năm 2019, tăng so với mức tương ứng là 83,4% và 84,9% vào năm 2018.
Bên cạnh đó, việc 2 ngân hàng này chưa đạt chuẩn Basel 2 sẽ khiến cho dư địa mở rộng tín dụng trong 2020 sẽ không còn nhiều.
Còn Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán SSI vừa công bố cho rằng, hầu hết các ngân hàng niêm yết đều có tỷ lệ LDR (theo Thông tư 36) dưới 80%, không bao gồm BID với 86% tính đến tháng 9/2019.
Quy định mới nâng mức trần từ 80% trước đó lên 85% cho tất cả các ngân hàng, điều này sẽ có lợi cho khối ngân hàng thương mại cổ phần. Ðối với khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, SSI ước tính, BID sẽ giảm tỷ lệ này xuống dưới 85% nhờ nguồn vốn mới tăng vào năm 2020.
Báo cáo của KBSV cũng cho biết thêm, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống sẽ không có nhiều thay đổi do sự điều chỉnh trái chiều đối với tỷ lệ LDR trong khu vực ngân hàng thương mại nhà nước và tư nhân.
“Theo tính toán của chúng tôi, phần dư nợ tiềm năng bị hạn chế của nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối sẽ tương đương với phần dư nợ tiềm năng có thể tăng thêm của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân”, Báo cáo của KBSV nhấn mạnh.
Dự báo về tăng trưởng tín dụng và M2 trong năm 2020, KBSV cho biết, vẫn được duy trì ở mức 14% và 13%, không thay đổi so với năm 2019.