Đồng thời, lấy việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng làm “bình phong” nhằm mở đường cho việc áp đặt thêm các điều kiện kinh doanh về bảo hành, bảo dưỡng chính hãng đối với các DN kinh doanh ô tô.
Một điều dễ nhận thấy trong các cuộc gặp gỡ lấy ý kiến hay tọa đàm trực tiếp gần đây về Thông tư 20 là hầu hết các DN nhập khẩu ô tô chính hãng, DN thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và đại diện Bộ Công thương đều đưa ra lý lẽ rằng, cần duy trì Thông tư để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, chống thất thu thuế và bảo đảm chất lượng kiểm định đối với sản phẩm. Song thực tế, nhiều chuyên gia luật và các cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm thực thi đã lên tiếng phản biện về lập luận này. Theo đó, những lý lẽ trên là sự bao biện cho tư duy “lo hộ” đã rất lỗi thời, hơn nữa còn tạo điều kiện cho độc quyền, duy trì lợi ích nhóm, đi ngược lại quy luật kinh tế thị trường.
"Tại sao Bộ Công thương lại đi lo hộ việc bảo hành bảo dưỡng, vốn là trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm?"
- Luật sư Trương Thanh Đức.
Thay vì xóa bỏ các quy định vô lý để không cản trở quyền tự do kinh doanh của các DN, tại Báo cáo này, Bộ Công thương thậm chí còn đề xuất thêm những quy định tạo nguy cơ đẩy các DN kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe hơi tư nhân tới khả năng phải đóng cửa. Theo đó, Bộ này đề xuất Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20 tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.
Theo lập luận của Bộ Công thương, người tiêu dùng không những không được quyền từ chối mà còn phải có nghĩa vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại các cơ sở đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, vì ô tô là mặt hàng liên quan đến an toàn của nhiều người khi tham gia giao thông. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Bộ Công thương đã vượt quá quyền hạn và phạm vi trách nhiệm của mình khi đòi hỏi đề xuất các điều kiện này.
“Tại sao Bộ Công thương lại đi lo hộ việc bảo hành bảo dưỡng, vốn là trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm?”, luật sư Đức nêu câu hỏi.
Cũng theo ông Đức, quy định về bảo hành bảo dưỡng chính hãng lặp lại đúng “vết xe cũ” trong Thông tư 20 là áp đặt, can thiệp nhà nước làm méo mó các yếu tố thị trường và quyền lựa chọn của người tiêu dùng.
“Người tiêu dùng và thị trường có quyền lựa chọn và quyết định dịch vụ của DN nào đáp ứng yêu cầu của họ, không phải là cơ quan nhà nước áp đặt bằng các quy định. Thay vì tiếp tục đặt ra các điều kiện phân biệt đối xử như hiện nay, Bộ Công thương cần tập trung vào trách nhiệm sửa sai của mình để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN”, luật sư Đức nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề quản lý chất lượng, theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hàng hóa là ô tô đã được áp dụng quản lý chất lượng ở mức cao nhất là mức đăng kiểm, do đó, nếu bổ sung thêm điều kiện trong quá trình hoạt động cần phải cân nhắc kỹ.
”Quản lý theo sản phẩm cuối cùng là mức quản lý nghiệt ngã và cao cấp hơn quản lý theo quy trình. Do đó quản lý về đăng kiểm để đảm bảo chất lượng sản phẩm sẽ là biện pháp quản lý tốt nhất”, ông Đức khẳng định.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét, việc Bộ Công thương đề xuất Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì việc ban hành các quy định cho thấy, Bộ Công thương tiếp tục chuyền bóng sang bộ khác để duy trì những quy định bảo vệ DN lớn, đẩy DN tư nhân, DN nhỏ ra khỏi cuộc chơi. Hơn nữa, việc Bộ này đề xuất được giữ quyền bãi bỏ Thông tư 20 khi các quy định do Bộ Giao thông Vận tải ban hành chính thức có hiệu lực chẳng khác nào việc đặt điều kiện để bỏ Thông tư.