Thông tư 07: Giữ nguyên chủ trương chống đô-la hóa
Về Thông tư số 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay bằng ngoại tệ, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, NHNN vừa ban hành Thông tư chính thức cho phép vay ngoại tệ cho nhóm đối tượng DN có doanh thu xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu vốn trong nước. Trước đó, Thông tư 24/2015 đã ngưng không cho vay ngoại tệ cho cùng nhóm đối tượng này từ 1/4/2016. Động thái này cho thấy, NHNN muốn hỗ trợ DN, giảm chi phí vay vốn và phục hồi tăng trưởng kinh tế sau khi GDP quý I chỉ đạt mức 5,46%.
Ông Hải phân tích thêm, kinh tế giảm tốc mạnh trong quý I vừa qua chủ yếu do các yếu tố thiên tai như hạn hán tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, sự kiện cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung gần đây cũng gây ảnh hưởng đến việc nuôi trồng, khai thác hải sản và du lịch biển. Thông tư 07 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay cho thấy, NHNN vẫn giữ nguyên chủ trương chống đô-la hóa nền kinh tế và sẽ thực hiện chính sách này ngay khi điều kiện thị trường trở nên phù hợp.
“Khu vực sản xuất, đặc biệt tại nhóm các DN FDI vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Ngoài ra, cầu nội địa bắt đầu hồi phục do thị trường bất động sản đang ấm dần lên. Do đó, chúng tôi dự báo GDP 2016 vẫn tăng trưởng khả quan, mặc dù có các yếu tố bất lợi về thiên nhiên và nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phát triển ì ạch”, ông Hải nói.
Ở một diễn biến khác, báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 của Trung tâm Nghiên cứu BIDV vừa công bố nhận định: “Thông tư 07 sẽ tăng thanh khoản ngoại tệ cho các DN xuất khẩu”.
Thông tư 06: Không thay đổi định hướng kiểm soát tín dụng bất động sản
Đối với Thông tư số 06/2016/TT-NHNN về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Thống đốc NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài vừa ban hành, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, định hướng của NHNN trong việc kiểm soát tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, lộ trình được giãn ra khi hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản chỉ nâng từ 150% lên 200% (thay vì 250%) và được áp lộ trình thực hiện từ 1/1/2017. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn được giữ nguyên 60% từ nay đến 31/12/2016, rồi giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017 và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40%.
Ông Hải cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu giảm tốc trong quý I và tác động của thiên nhiên, môi trường vẫn còn diễn biến phức tạp, NHNN chủ động không siết đột ngột nguồn vốn vào bất động sản. Ngoài ra, việc tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn được giảm từng bước chậm lại cũng cho phép các ngân hàng không phải chạy đua về lãi suất huy động, đặc biệt cho các kỳ hạn dài. Điều này sẽ giúp các ngân hàng từng bước hạ lãi suất cho vay.
Theo BIDV, Thông tư 06 sẽ gỡ khó cho các DN, đồng thời cũng không chủ quan với lạm phát, chưa siết vội dòng vốn vào bất động sản nhưng sẽ siết dần, đi liền với chỉ đạo tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.
“Theo tôi, các ngân hàng vẫn cần hết sức thận trọng trong việc bơm vốn vào thị trường bất động sản hoặc cho vay các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dài hạn. Nguồn vốn của ngân hàng đa phần là ngắn hạn, trong khi vốn tài trợ cho các dự án bất động sản và cơ sở hạ tầng thường cần thời hạn dài. Nếu ngân hàng không quản trị thanh khoản và chất lượng tín dụng của các dự án cẩn trọng, rất dễ lặp lại tình trạng nợ xấu và thiếu thanh khoản đã xảy ra vài năm trước đây”, ông Hải nhấn mạnh.
Việc ban hành Thông tư 06 và 07 được đánh giá là động thái lắng nghe, đồng hành cùng những khó khăn của thị trường từ NHNN. Tuy nhiên, để nền kinh tế thực sự khởi sắc, các chuyên gia cho rằng, các Bộ, ngành cùng phải nhập cuộc, khẩn trương xây dựng chương trình hành động triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.