Khác với dự thảo được công bố xin ý kiến trước đó, nội dung Thông tư 06 siết việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay và hệ số rủi ro cho vay bất động sản theo hướng “mềm mại”, có lộ trình hơn.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank nói: “Thông tư số 06 không gây sốc, thị trường sẽ thẩm thấu dần dần”.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Phước Thanh cho biết, Thông tư 06 có nhiều điểm sửa đổi so với quy định tại Thông tư 36, nhưng tập trung vào 3 điểm lớn: tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn; hệ số rủi ro; tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank nhận xét: “Thông tư 06 ra đời phù hợp với nhu cầu thực tế nền kinh tế hiện nay và định hướng chính sách nâng cao năng lực tài chính, kinh doanh của ngân hàng thương mại, lành mạnh hóa thị trường”.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, đối với việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ 60% được giữ từ nay đến 31/12/2016, rồi giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017 và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40% cho thấy, NHNN đã đưa ra lộ trình phù hợp, không tạo ra tác động quá mạnh đối với thị trường khi bối cảnh hiện nay có khá nhiều ngân hàng đã trong giới hạn 50%.
“Điều chỉnh tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn của từng khối theo lộ trình giảm dần đã đảm bảo phù hợp với định hướng hạn chế cấp tín dụng trung - dài hạn, giảm rủi ro thanh khoản, giảm tập trung cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (chủ yếu là cho vay trung dài hạn)”, TS. Hiếu nói.
Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều lãnh đạo ngân hàng đều chung quan điểm, nền kinh tế năm nay nhiều khả năng sẽ có sự trì trệ, tăng trưởng không tốt so với năm ngoái, trong khi cho vay bất động sản luôn là lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế. Nếu tăng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản lên quá nhanh sẽ siết tín dụng bất động sản mạnh. Do vậy, mức tăng từ 150% lên 200% là thích hợp, đồng thời phát đi tín hiệu đối với thị trường là hệ thống ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát rủi ro cho vay đối với lĩnh vực bất động sản.
Điểm đáng chú ý trong Thông tư 06 được Phó Thống đốc Thanh đề cập là tỷ lệ đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng từ 15% lên 35%, của ngân hàng thương mại nhà nước tăng từ 15% lên 25%, sẽ giúp tăng tính thanh khoản của các ngân hàng có trái phiếu Chính phủ. Đặc biệt, trái phiếu Chính phủ trong lãnh thổ Việt Nam có hệ số rủi ro bằng 0 và khi cần tiền, các ngân hàng đều có thể dễ dàng bán trái phiếu.
“Quy định này đã tạo điều kiện cho một số chi nhánh NHNN có quy mô đầu tư trái phiếu Chính phủ cao và thường xuyên vượt giới hạn về tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ trong thời gian dài có thể điều chỉnh và đáp ứng quy định của NHNN, cũng như thúc đẩy thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào trái phiếu Chính phủ”, giám đốc tiền tệ một ngân hàng nước ngoài nói.
Do Thông tư 06 vừa được ban hành nên lãnh đạo các ngân hàng đều cho biết, trong tuần này sẽ có những tính toán cụ thể khi áp dụng Thông tư 06 có những thay đổi như thế nào trong danh mục đầu tư.
Mặc dù đánh giá cao những sửa đổi hợp lý trong Thông tư 06, nhưng TS. Hiếu vẫn khuyến nghị, nếu nền kinh tế trong năm 2016 và năm 2017 phát triển tốt, NHNN nên điều chỉnh hệ số rủi ro hệ lên 250% nhằm giới hạn cho vay bất động sản, bởi cho vay trong lĩnh vực này ẩn chứa nhiều rủi ro. Khi nền kinh tế trì trệ, bất động sản sẽ tạo rất nhiều nợ xấu.
Cuối tuần qua, NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay bằng ngoại tệ. Cụ thể, Thông tư 07 cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ. Mục đích vay là đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất - kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Tuy nhiên, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/6/2016 và được thực hiện đến hết ngày 31/12/2016.