Thông tư 03/2021 và những vướng mắc, bất cập

Thông tư 03/2021 và những vướng mắc, bất cập

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại buổi Tọa đàm trực tuyến về tình hình thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN diễn ra sáng nay 5/8, các ngân hàng, công ty tài chính đã đưa ra hơn nhiều kiến nghị liên quan đến những vướng mắc, bất cập khi triển khai Thông tư.

Thứ nhất, các tổ chức tín dụng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép không căn cứ vào số lần cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 khi thực hiện phân loại lại để xác định số tiền dự phòng cụ thể trích bổ sung.

Nguyên nhân do Thông tư 01 không giới hạn số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01 chỉ áp dụng đối với nghĩa vụ nợ gốc/lãi đến hạn theo quy định mà không áp dụng đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng. Như vậy, trên thực tế, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể được các ngân hàng thương mại (NHTM) cho phép cơ cấu nợ nhiều lần.

Bên cạnh đó theo Thông tư 01, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ chỉ áp dụng đối với nghĩa vụ trả nợ gốc/lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 (Theo điểm b Khoản 1 Điều 4 Thông tư 01).

Do chưa xác định chính xác mốc thời điểm công bố hết dịch Covid-19 nên để đảm bảo tuân thủ Thông tư 01, tránh tình huống cơ cấu dư nợ đến hạn ngoài khoảng thời gian 3 tháng kể từ ngày công bố hết dịch, các NHTM đã thực hiện phương án thận trọng cơ cấu số dư nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn tối đa trong vòng 03 tháng tiếp theo kể từ thời điểm đề xuất cơ cấu nợ.

Việc trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03 có tính đến số lần cơ cấu nợ theo Thông tư 01 sẽ làm tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro cao hơn rất nhiều so với Thông tư 02/2013/TT-NHNN do nhiều khách hàng cơ cấu nợ nhiều lần theo Thông tư 01 sẽ bị chuyển lên nhóm 5 (tỷ lệ trích lập 100%). Như vậy, tác động này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các NHTM, đồng thời tạo áp lực tài chính lớn cho các NHTM khi triển khai hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chưa đáp ứng mục tiêu và tinh thần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế của Thông tư 01.

Thứ hai, về quy định cơ cấu khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.

Theo quy định trên, các TCTD chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản giải ngân trước ngày 10/6/2020. Tuy nhiên trong thực tế, sau ngày 10/6/2020 và đến đầu năm 2021 tình hình dịch bệnh tại nước ta cơ bản được kiểm soát. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đảm bảo mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, các TCTD đã giải ngân hàng triệu tỷ đồng trong giai đoạn từ sau 10/6/2020 đến nay. Phần nhiều trong số giải ngân này đang đến kỳ hạn trả nợ.

Tuy nhiên, dịch bệnh lại bùng phát từ cuối tháng 4/2021 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong trả nợ, do đó, sẽ có nhiều khoản nợ cần được cơ cấu nhưng lại không đáp ứng được điều kiện quy định tại Thông tư 03 về thời gian phát sinh nợ là trước ngày 10/6/2020. Việc không được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ không thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn tài chính do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 sẽ bị chuyển nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động của TCTD.

Vì vậy, các tổ chức tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ các khoản giải ngân sau ngày 10/6/2020 hoặc xem xét không quy định thời gian phát sinh nợ "trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính" mà chỉ quy định về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi để đảm bảo chủ động, linh hoạt trong thực hiện, tránh phải sửa đổi Thông tư 01, Thông tư 03 nhiều lần (trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp sau thời điểm 31/12/2021).

Dư nợ được xem xét cơ cấu nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 03 chỉ áp dụng đối với nghiệp vụ cho vay, cho thuê tài chính (công ty cho thuê tài chính), không bao gồm dự nợ phát sinh từ các nghiệp vụ cấp tín dụng khác như: Thẻ tín dụng, bảo lãnh, LC, bao thanh toán… Tuy nhiên, đại dịch đã ảnh hưởng đến khách hàng mà không phân biệt hình thức cấp tín dụng.

Thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng rất phổ biến, đặc biệt là với xu hướng không dùng tiền mặt như hiện nay thì số lượng khách hàng sử dụng Thẻ tín dụng và số dư nợ Thẻ tín dụng ngày càng tăng.

Xét trên mức độ bị ảnh hưởng bởi đại dịch thì việc cho phép cơ cấu nợ đối với số dư nợ Thẻ tín dụng là cần thiết. Do đó, đề nghị Ngân hàng nhà nước xem xét điều chỉnh quy định này theo hướng cho phép cơ cấu nợ bao gồm số dư nợ Thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19.

Thứ ba, khoản 2 Điều 4 quy định việc cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc dịch. Đến cuối tháng 7/2021, dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng và chưa có dấu hiệu được kiểm soát dù chính phủ đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ: giãn cách xã hội nhiều tỉnh, thành phố, kiểm soát/hạn chế di chuyển… Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Thông tư 03 theo hướng cho phép áp dụng với các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 cho đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid -19.

Thứ tư, liên quan đến quy định cơ cấu nợ đối với khoản nợ quá hạn đến 10 ngày.

Đối với khách hàng tại tỉnh/thành phố phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thuộc khu vực phong tỏa/cách ly, khách hàng gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm điều kiện tại quy định này khi đề xuất xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng cơ chế này như sau: Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 30 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.

Thứ năm, khoản 7 Điều 4 đã gây khó khăn cho cả khách hàng và TCTD ở hai điểm.

Cụ thể, quy định này đòi hỏi khách hàng phải có phương án trả nợ đối với số dư nợ được cơ cấu và số dư nợ phát sinh mới (nếu có) trong thời gian tương đối ngắn (tối đa 12 tháng).

Trong giai đoạn dịch bệnh thứ 4 bùng phát, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, phải dừng sản xuất do bị đứt gãy các chuỗi cung ứng, nguồn cung cấp nguyên, vật liệu thiếu hụt hoặc để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh...

Đối với khoản cho vay trung dài hạn, lịch trả nợ của khách hàng tại từng kỳ hạn đã được xác định phù hợp với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng/dự án khi thẩm định, cấp tín dụng; Trường hợp khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ một số kỳ hạn đến hạn trả nợ, cần thiết phải giãn số tiền này sang các kỳ sau ngày cuối cùng của thời hạn cho vay.

Nếu bắt buộc phân bổ vào ngay các kỳ sau thời điểm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khách hàng không chỉ phải trả nợ các kỳ sẽ đến hạn mà còn phải trả nợ các kỳ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ không phù hợp với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng, tiếp tục gây khó khăn, áp lực đối với khách hàng.

Vì vậy, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 để không gây khó khăn, áp lực đối với khách hàng trong khoảng thời gian quá ngắn sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc đề nghị giữ nguyên theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN: “Không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay (thời điểm khách hàng phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi theo Hợp đồng tín dụng đã ký”.

Điểm thứ hai là Thông tư 03 quy định thời gian cơ cấu nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày ngân hàng thực hiện cơ cấu nợ nhưng lại không quy định cụ thể “Thời điểm thực hiện cơ cấu nợ”.

Thực tế, khách hàng vay vốn có nhiều kỳ trả nợ theo tháng/quý/6 tháng/12 tháng… Khi có khó khăn về dòng tiền trả nợ, khách hàng thường đề nghị cơ cấu nợ cùng lúc cho nhiều kỳ trả nợ và để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng cũng như giảm bớt thủ tục thì ngân hàng sẽ thực hiện cơ cấu nợ cùng lúc cho nhiều kỳ trả nợ gần nhau.

Trong trường hợp này, thời điểm “Thực hiện cơ cấu nợ” sẽ được tính từ thời điểm nào: Thời điểm ngân hàng có Phê duyệt/Thông báo về việc đồng ý cơ cấu nợ; Thời điểm ký Thỏa thuận sửa đổi Hợp đồng tín dụng với khách hàng; hay Thời điểm đến hạn của từng kỳ trả nợ được cơ cấu nợ.

Ngoài ra, các tổ chức tài chính còn đưa những kiến nghị liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro; hỗ hỗ trợ đối với khách hàng có hoạt động ở vùng giãn cách xã hội trong giai đoạn dịch bệnh lần thứ 4 (khách hàng bị phong tỏa); các khoản nợ thực hiện miễn, giảm lãi theo Thông tư 03; Khoanh nợ đối với dư nợ được cơ cấu; việc tiếp cận cơ cấu nợ theo khách hàng thay vì theo dư nợ/khoản vay và xếp hạng TCTD...

Tin bài liên quan