Thông tư 02 lại “nóng”  hội nghị ngành ngân hàng, vì sao?

Thông tư 02 lại “nóng” hội nghị ngành ngân hàng, vì sao?

(ĐTCK) Một lần nữa, Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD lại làm “nóng” Hội nghị ngành ngân hàng. Tại sao Thông tư được cơ quan quản lý, các nhà đầu tư cũng như các định chế tài chính nước ngoài, chuyên gia kinh tế… đều nhấn mạnh về những lợi ích khi thực hiện, thì các ngân hàng trong nước đều mong chưa triển khai?

Thông tư 02 lại “nóng”  hội nghị ngành ngân hàng, vì sao? ảnh 1

Đến cuối tháng 10/2013, tổng số dư các khoản nợ không bị chuyển sang nợ xấu theo Quyết định 780 của toàn hệ thống là gần 180.000 tỷ đồng

Các ngân hàng nói gì?

Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam thường niên 2013 (VDPF) diễn ra đầu tháng này, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã khẳng định với các đối tác nước ngoài, Thông tư 02 sẽ được thực hiện đúng ngày 1/6/2014. Trả lời tại họp báo ngay đầu tuần (16/12), đại diện NHNN, ông Đặng Văn Thảo, Phó chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát cũng khẳng định, không có chuyện hoãn thực hiện Thông tư 02, bởi việc cơ cấu lại nợ đã hoàn thành xong “vai trò lịch sử” là hỗ trợ DN khi khó khăn. Tuy nhiên, trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014, hầu hết các lãnh đạo ngân hàng trong nước đều kiến nghị, tạm dừng chưa thực hiện.

Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), ông Lê Công nêu quan điểm, trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, sức khoẻ của ngành ngân hàng cũng như nền kinh tế và các DN vẫn đang rất yếu, nếu áp dụng thông tư này sẽ gây khó khăn hơn cho NHTM và DN.

“Tôi mạnh dạn đề nghị với Thủ tướng và Thống đốc suy nghĩ để chọn thời điểm áp dụng cho phù hợp hơn”, ông Công kiến nghị.

“Bây giờ nếu ‘bầy hết’ ra cũng không xử lý được, bởi thực lực các ngân hàng hiện nay chưa thể xử lý nhanh các tồn tại. Đề nghị NHNN tiếp tục hoãn thực hiện Thông tư đến năm 2015”, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT VietinBank nêu ý kiến.

Trong khuân khổ thời gian của Hội nghị, không nhiều lãnh đạo ngân hàng được trình bày ý kiến, nhưng trao đổi bên lề với ĐTCK, hầu hết các lãnh đạo ngân hàng đều đồng thuận với ý kiến trên. Thậm chí, có những ý kiến còn mạnh mẽ hơn, khi kiến nghị lùi vô thời hạn đến khi nền kinh tế trong nước thực sự phục hồi.

 

Tại sao phải lùi?

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP phân tích, với Quyết định số 780/QĐ-NHNN, một khối lượng lớn dư nợ tín dụng đã được cơ cấu lại giữ nguyên nhóm, góp phần kiềm chế nợ xấu gia tăng, nhưng quan trọng hơn đã giúp nhiều khách hàng vay, đặc biệt là nhóm khách hàng DN, không phải chịu thêm chi phí lãi suất quá hạn và tiếp tục được vay vốn ngân hàng để củng cố hoạt động sản xuất - kinh doanh. Báo cáo của các TCTD cho thấy, đến cuối tháng 10/2013, tổng số dư các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780 của toàn hệ thống là hơn 300.000 tỷ đồng, tổng số dư các khoản nợ không bị chuyển sang nợ xấu do được giữ nguyên nhóm nợ gần 180.000 tỷ đồng.

“Như vậy, nếu không thực hiện theo Quyết định 780 thì tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống tương đương khoảng 10% tổng dư nợ. Nếu Thông tư 02 được thi hành đúng thời điểm, Quyết định 780 sẽ mặc nhiên hết hiệu lực, con số nợ xấu chắc chắn sẽ còn cao hơn rất nhiều”, vị Tổng giám đốc trên nói.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT một ngân hàng TMCP khác chia sẻ thêm, theo Báo cáo của các TCTD đến cuối tháng 11/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ trên 4% tổng dư nợ tín dụng, tăng gần 20% so với năm 2012 nhưng giảm mạnh so với tốc độ tăng gần 70% của cùng kỳ năm 2012.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có diễn biến tăng gần như liên tục trong 11 tháng đầu năm 2013.

“Do đó, nếu áp dụng Thông tư 02 là ‘chết’ ngay, mà ‘chết’ đầu tiên là các ngân hàng quốc doanh chứ không phải là các NHTM”, vị Chủ tịch trên nhấn mạnh.

Trước ý kiến cho rằng, VAMC chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 26/7/2013 và khẩn trương kiện toàn bộ máy, đi vào hoạt động là nhằm hỗ trợ các TCTD giải quyết nợ xấu, tiến gần với việc thực hiện Thông tư 02, nhưng một lãnh đạo ngân hàng TMCP cho rằng, hoạt động của VAMC chưa thực sự hỗ trợ nhiều cho các TCTD.

“Mặc dù tính đến cuối năm 2013, VAMC mua được khoảng 30.000 tỷ đồng nợ xấu của gần 30 TCTD, nhưng quan trọng là nợ xấu vẫn chưa được xử lý dứt điểm, chỉ là được gói vào cất sang một chỗ. Trong khi về bản chất, các TCTD cần tiền mặt và vẫn phải tự đi đòi nợ”.

Hơn nữa, việc phải trích lập dự phòng rủi ro cũng đang khiến các TCTD gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Được biết, tổng số nợ xấu đã được xử lý bằng dự phòng và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 11 tháng đầu năm 2013 là gần 120.000 tỷ đồng, trong đó số nợ được xử lý trong năm 2013 là gần 50.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân được đưa ra để lùi thời hạn thực hiện Thông tư 02, là do yếu tố khách quan, bởi nền kinh tế Việt Nam mới cho thấy sự ổn định, chưa có dấu hiệu phục hồi. Còn giải thích nguyên nhân vì sao nhiều nhà đầu tư nước ngoài ủng hộ quyết định thực hiện Thông tư 02 đúng thời hạn, nhiều ý kiến cho rằng, xuất phát từ yếu tố cạnh tranh giành thị phần cũng như do yếu tố muốn thâu tóm, sáp nhập.

“Mặc dù Thông tư 02 chưa được áp dụng, nhưng thực tế NHNN vẫn tích cực giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu của các TCTD bằng các biện pháp nghiệp vụ thanh tra, giám sát để cảnh báo, hỗ trợ cho quá trình xử lý nợ xấu. Vậy, tại sao không thể tiếp tục phát huy các biện pháp này và lùi thời hạn thi hành Thông tư 02?!”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần đặt vấn đề.    

>>Vội vã áp Thông tư 02 sẽ bất lợi?       

>>Triển khai Nghị quyết số 02: Lúng túng “như gà mắc tóc”