Điều kiện được tái cơ cấu nợ hiện nới lỏng hơn trước

Điều kiện được tái cơ cấu nợ hiện nới lỏng hơn trước

Thông tư 02 không phải “cây đũa thần”, nhưng được mong chờ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Liên tiếp hai thông tư được Ngân hàng Nhà nước ban hành và có hiệu lực ngay trong tuần qua được đánh giá là nỗ lực của cơ quan này nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho không ít ngành nghề, lĩnh vực.

Giải quyết khó khăn tạm thời

Trao đổi với phóng viên về hoạt động tín dụng trên địa bàn, giám đốc một chi nhánh Vietcombank tại Cà Mau cho biết, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thường vay vốn lớn với kỳ hạn dài để mở rộng quy mô. Khi sức mua giảm mạnh như hiện nay, doanh nghiệp không mở rộng mà quay về duy trì hoạt động nên việc vay vốn ngân hàng không nhiều như trước.

“Doanh nghiệp sản xuất vẫn vay vốn, nhưng ngắn hạn, dư nợ không lớn, bởi chỉ nhằm phục vụ cho dòng tiền lưu động”, vị giám đốc nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sẽ tạo ra yếu tố thuận lợi mà các doanh nghiệp đang kỳ vọng. Cụ thể, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, nông thuỷ sản, nông nghiệp… thời gian qua có ít đơn hàng, thậm chí không có đơn hàng, nên nguy cơ nợ xấu ập đến, bởi khó có khả năng trả nợ.

“Nếu rơi vào trường hợp nợ xấu nhóm 2, nhóm 3, các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc quay lại vay vốn ngân hàng nên Thông tư 02 vừa được ban hành sẽ giải quyết được nỗi lo của doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp đang có khó khăn tạm thời có cơ hội phục hồi với những điều kiện có thể thực hiện được”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, các nhà thầu xây dựng thường bị các nhà đầu tư bất động sản chiếm dụng vốn, trong khi vốn của các nhà thầu chủ yếu là vay ngân hàng, nên rơi vào vòng xoáy chuyển nhóm nợ. Tình trạng chiếm dụng vốn rất điển hình thời gian qua nên Thông tư 02 được nhìn nhận là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp và tạo cơ hội cho ngân hàng có cơ sở pháp lý “chăm sóc”, đối thoại các khách hàng thân thiết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, Thông tư 02 sẽ hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh đang gặp những khó khăn ảnh hưởng đến thu nhập, tiêu dùng, khả năng chi trả.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc MB nhận định, đối tượng của Thông tư 02 là doanh nghiệp, khách hàng cá nhân sản xuất - kinh doanh và khách hàng cá nhân vay tiêu dùng phục vụ đời sống. Các đối tượng này phủ sóng hầu hết mục đích vay vốn của nền kinh tế nên sẽ được hỗ trợ, hưởng các chính sách của tổ chức tín dụng như nhau, chứ không phải chỉ tập trung vào khách hàng sản xuất - kinh doanh mà quên đi khách hàng vay tiêu dùng.

“Phía tổ chức tín dụng đã có kinh nghiệm triển khai chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Do vậy, mỗi ngân hàng sẽ căn cứ vào điều kiện tài chính của mình và hồ sơ của khách hàng để thực hiện chính sách đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng”, bà Hà nói.

Tương tự, ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank cho hay, hệ thống ngân hàng đã có nhiều kinh nghiệm triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cũng như các chính sách hỗ trợ khác trong giai đoạn dịch Covid-19. Đây là nền tảng thuận lợi để hệ thống ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân theo Thông tư 02, trong bối cảnh ngành ngân hàng đã thể hiện trách nhiệm cao nhất với nền kinh tế, trong khi dư địa để hỗ trợ không còn nhiều.

Chờ cùng nhịp bước

Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với không ít khách hàng từ ngày 24/4/2023 đến hết 30/6/2024

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành VietinBank nhận xét, các ngân hàng thương mại đều tập trung toàn lực để thực hiện các chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhưng sức mạnh tài chính của mỗi ngân hàng khác nhau nên việc triển khai có thể khác nhau.

Liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ông Dũng nói: “Cả ngành ngân hàng đã hết sức trách nhiệm, trong khi sự đồng hành của các bên chưa theo kịp. Do đó, phải chờ cùng nhịp bước mới có thể triển khai”.

Với Thông tư 02, tỷ lệ nợ xấu năm 2023 hiện được dự báo không tăng cao như một số dự báo trước đây, do khách hàng gặp khó khăn có thể được ngân hàng xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Điều này cũng có lợi cho các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gần 3%, vì sẽ có thêm phương án để giữ tỷ lệ nợ xấu dưới mức mà cơ quan quản lý yêu cầu. Theo đó, rủi ro nợ xấu gia tăng được chuyển sang nửa cuối năm 2024. Và theo lý thuyết, tỷ lệ bao nợ xấu trong năm 2023 sẽ tăng lên, vì tổng dự phòng bao gồm cả dự phòng cho các khoản vay đã cơ cấu, trong khi phần nợ xấu không bao gồm các khoản nợ cơ cấu.

Bà Hà cho rằng, ngành ngân hàng đang đảm bảo thanh khoản tốt, không thiếu vốn, sẵn sàng cho vay với mức lãi suất hấp dẫn hơn so với cuối năm 2022, nhưng các doanh nghiệp cũng cần xem xét, tăng cường năng lực, phương án kinh doanh hiệu quả để đáp ứng được các điều kiện tín dụng. Nợ xấu, nợ quá hạn của nền kinh tế gia tăng, nhưng nợ do các tổ chức tín dụng tự phân loại không cao, nếu liên đới với các ngân hàng khác thì sẽ rất cao.

“Các tổ chức tín dụng cần chuẩn bị các kịch bản liên quan đến đánh giá chất lượng tín dụng, tuân thủ quy định về trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng”, vị phó tổng giám đốc MB nêu quan điểm.

Một lãnh đạo cao cấp Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, do không có quy định cụ thể về các ngành nghề đủ điều kiện được tái cơ cấu nên có thể hiểu rằng, khoản vay của một số doanh nghiệp bất động sản có khả năng được xem xét để tái cơ cấu nếu có dự án dở dang nhưng có pháp lý đầy đủ. Trong tình huống này, các chủ đầu tư tiếp tục hoàn thành các dự án có thể có cơ hội bán nhà và tạo ra dòng tiền để trang trải các nghĩa vụ nợ, từ đó phần nào giảm bớt tình trạng thanh khoản căng thẳng hiện tại.

“Thông tư 02 giúp khách hàng không bị chuyển nhóm nợ và ngân hàng có thể đẩy thêm vốn. Tuy nhiên, các nút thắt pháp lý trong ngành bất động sản vẫn là trở ngại chính đối với tình hình thị trường hiện tại và không thể giải quyết chỉ thông qua Thông tư 02”, vị lãnh đạo SSI lưu ý.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: “Cần xác định rõ, Thông tư 02 không phải là cây đũa thần đối với lĩnh vực bất động sản”.

Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế đánh giá Thông tư 02 sẽ tạo ra khung pháp lý cho việc tái cơ cấu nợ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực trong trường hợp nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự kiến.

Tin bài liên quan