Thông tư 02: có quá cứng nhắc?

Thông tư 02: có quá cứng nhắc?

(ĐTCK) Những tranh luận về Thông tư 02 vẫn chưa tới hồi kết, với những ý kiến khá nặng ký và nhiều chiều. Có lẽ tới lúc cần NHNN lên tiếng thêm một lần nữa.  

Những ngày cuối năm 2013, những tranh luận về việc có nên dời lại thời gian áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động tín dụng đang trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Nhiều ý kiến cho rằng, NHNN cần nỗ lực đưa ra một khuôn khổ để quản lý các TCTD trong việc phân nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro tín dụng hơn là những quy định cứng nhắc…

Thông tư 02: có quá cứng nhắc? ảnh 1

Nếu không thực hiện theo Quyết định 780 thì tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống tương đương khoảng 8% tổng dư nợ

Bối cảnh đã thay đổi

Cần nhắc lại rằng, so với các văn bản trước đây như Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN và Quyết định 780/QĐ-NHNN, Thông tư 02 thể hiện quyết tâm của NHNN về việc phản ánh chính xác hơn thực trạng số liệu nợ xấu của ngành ngân hàng; từng bước làm cho các quy định phân loại nợ và trích lập dự phòng của Việt Nam phù hợp hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và thực tiễn hoạt động ngân hàng Việt Nam.

Theo đó, các định nghĩa về cấp tín dụng được mở rộng, tỷ lệ chiết khấu được xây dựng thận trọng hơn, đồng nghĩa với việc giá trị thế chấp của tài sản bảo đảm thấp hơn, khiến các TCTD phải trích lập dự phòng nhiều hơn khi cấp tín dụng cho khách hàng.

Ngoài ra, các TCTD cũng phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, đánh giá khách hàng và phân nhóm nợ dựa cả trên các yếu tố định tính và định lượng, phân nhóm nợ cao hơn nếu hai kết quả định tính và định lượng khác nhau…

Theo dự kiến ban đầu, Thông tư 02 có hiệu lực từ ngày 1/6/2013, nhưng sau đó đã được lùi ngày áp dụng 01 năm, tức là đến ngày 1/6/2014. Đến nay, khi năm tài chính 2013 sắp kết thúc, thời gian trước khi Thông tư 02 dự kiến chính thức được áp dụng chỉ còn vỏn vẹn 6 tháng.

Trong khi đó, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ và các địa phương sáng 24/12, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, đến nay, tín dụng của ngành đã tăng 9,5% và cuối năm sẽ đạt trên 10%. Điều này có nghĩa, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng không đạt mục tiêu đề ra là 12%.

“Mặc dù người đứng đầu hệ thống ngân hàng nhận định tín dụng năm nay tăng trưởng chưa cao, nhưng hiệu quả lại lớn khi dòng vốn trực tiếp đi vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, điều này cũng cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn phục hồi và thoát khỏi suy thoái, khi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn khá yếu”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định.

Để tạo ra tăng trưởng GDP theo kế hoạch, nền kinh tế cần gia tăng đầu tư với một tỷ lệ thích hợp, mà tín dụng là nguồn giúp gia tăng đầu tư chủ yếu tại Việt Nam. Nếu không có một cơ chế thông thoáng giúp các TCTD khơi dòng chảy tín dụng cho nền kinh tế, thì có thể nói, mục tiêu tăng trưởng rất khó trở thành hiện thực.

“Chính vì thế, việc áp dụng Thông tư 02 từ 1/6/2014 hay gia hạn thêm một thời gian nữa cho phù hợp với bối cảnh kinh tế nói chung và bối cảnh ngành tài chính ngân hàng nói riêng là vấn đề cần phải cân nhắc một cách thấu đáo”, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nhận định.

Đồng quan điểm này, chủ tịch HĐQT một ngân hàng khác cho rằng, với nội dung liên quan trực tiếp đến việc phân nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro trong nghiệp vụ tín dụng, việc áp dụng các quy định của Thông tư 02 ảnh hưởng trực tiếp đến các tỷ lệ an toàn hoạt động và thu nhập từ hoạt động tín dụng, một nghiệp vụ truyền thống và là nguồn thu nhập chính của các TCTD Việt Nam. Điều quan trọng là thời điểm Thông tư 02 được dự thảo và ban hành, bối cảnh thị trường tài chính cũng như nhiệm vụ của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN có những khác biệt so với hiện nay.

 

Cần một cơ chế linh hoạt hơn

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết, Báo cáo của các TCTD cho thấy, đến cuối tháng 10/2013, tổng số dư các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780 của toàn hệ thống là hơn 300.000 tỷ đồng, tổng số dư các khoản nợ không bị chuyển sang nợ xấu do được giữ nguyên nhóm nợ gần 180.000 tỷ đồng.

Nếu không thực hiện theo Quyết định 780 thì tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống tương đương khoảng 8% tổng dư nợ.

Như vậy, vị chủ tịch HĐQT phân tích, việc áp dụng Thông tư 02 sớm có thể khiến tỷ lệ nợ xấu và trích lập dự phòng tại các TCTD gia tăng, kéo theo tâm lý e ngại, thận trọng thái quá khi cho vay (bởi tuy nếu giải ngân hôm nay thì thông thường phải 2 - 3 năm sau mới ảnh hưởng đến dự phòng rủi ro tín dụng, nếu có).

“Ngoài ra, tuy thay thế Quyết định 493 trước đây, có thể nói tư duy quản lý của Thông tư 02 cũng chưa có nhiều điểm đột phá, khi cơ quan quản lý vẫn nỗ lực đưa ra một khuôn khổ để quản lý các TCTD trong việc phân nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro tín dụng”, vị Chủ tịch trên nhấn mạnh.

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nhận định: “Nên chăng, cần có một sự đột phá về chính sách quản lý trong lĩnh vực khá đặc thù này: việc giám sát hoạt động của các TCTD trong lĩnh vực quản lý rủi ro tín dụng nên dựa trên năng lực quản lý rủi ro và quy mô của từng TCTD chứ không đưa ra những quy định chung”.

“So sánh với một số quốc gia khác, ví dụ như các quy định của Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA, đóng vai trò Ngân hàng Trung ương Hồng Kông), có thể thấy khi chức năng và vai trò thanh tra giám sát của Ngân hàng trung ương được thực hiện hiệu quả, việc phân nhóm nợ, xếp hạng tín dụng nội bộ tại các TCTD được quy định và triển khai khá đơn giản, giành nhiều sự tự chủ hơn cho bản thân các TCTD đó”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ.

Thực tế trong năm 2013, NHNN Việt Nam cũng đã tăng cường hiệu quả của công tác thanh tra giám sát tại các TCTD lên rất nhiều, điều này thể hiện qua sự chênh lệch đáng kể giữa số liệu nợ xấu mà NHNN công bố và số liệu do các TCTD công bố.

“Do đó, trong bối cảnh nền kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục, nợ xấu vẫn là nút thắt khiến nguồn vốn thừa từ các NHTM chưa đến được với doanh nghiệp.

Việc sớm áp dụng Thông tư 02 với các quy định khá chặt về phân nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động tín dụng có thể chưa thực sự linh hoạt và phù hợp. Thay vào đó, cần khơi thông dòng chảy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng, song song với việc nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác thanh tra giám sát của NHNN”, vị tổng giám đốc trên nói.         


>> Thêm nhiều ý kiến trái chiều về Thông tư 02

>> Thông tư 02 lại “nóng” hội nghị ngành ngân hàng, vì sao?

>>Vội vã áp Thông tư 02 sẽ bất lợi?

>>Lo ngại thời điểm áp dụng Thông tư 02

>>Lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02?

>>Lùi thời điểm thi hành Thông tư 02, đôi điều suy nghĩ

>>Triển khai Nghị quyết số 02: Lúng túng “như gà mắc tóc”