Thông tin về nợ xấu của Việt Nam vẫn còn rất sơ sài

Thông tin về nợ xấu của Việt Nam vẫn còn rất sơ sài

(ĐTCK) Mặc dù TTCK phục hồi trở lại, nhưng mối lo nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn đè nặng tâm lý nhiều NĐT. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Robert Zielinski, Trưởng bộ phận Phân tích CTCK Bản Việt (VCSC) xung quanh chủ đề này.

Từng làm việc tại những tổ chức tín dụng lớn như UBS Global Asset Management và Lehman Brothers, sao ông lại quyết định đến Việt Nam ?

Tôi là một NĐT chuyên nghiệp đã 30 năm. Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong đầu tư là phải tham gia ngay từ đầu, dù là đầu tư vào một công ty, một ngành công nghiệp hay một đất nước nào đó. Tôi quyết định làm việc tại Việt Nam , dù TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung có nhiều khó khăn. Hệ thống ngân hàng bị nợ xấu đè nặng, giá bất động sản giảm, tăng trưởng tín dụng yếu và niềm tin người tiêu dùng thấp. Tuy nhiên, đây chính là môi trường lý tưởng để NĐT tìm kiếm cơ hội. Một khi những vấn đề này được giải quyết, thị trường sẽ tăng rất mạnh. Việt Nam có những thế mạnh về dài hạn như: lực lượng lao động trẻ, dân số đông với hơn 90 triệu người, vị trí địa lý thuận lợi, chi phí thấp…

 

Nợ xấu của khối ngân hàng là mối quan ngại của giới đầu tư nội địa. Giới đầu tư quốc tế nhìn nhận vấn đề này ra sao, theo ông?

Giới đầu tư quốc tế tỏ ra lo ngại về nợ xấu hơn giới đầu tư trong nước. Lý do là họ đã chứng kiến tại các nước khác, khủng hoảng ngân hàng có thể dẫn đến khủng hoảng chứng khoán, khủng hoảng đồng nội tệ và khủng hoảng kinh tế. Vấn đề lớn nhất mà tất cả các nhà đầu tư gặp phải là ở Việt Nam , thông tin về nợ xấu vẫn còn rất sơ sài.

Vậy quan điểm và đánh giá của VCSC về nợ xấu ngân hàng Việt Nam ra sao?

Về logic, khi ngân hàng vướng phải nợ xấu, sẽ phải có một bên nào đó gánh chịu chi phí này: phía đi vay, ngân hàng, hoặc người nộp thuế. Theo ước tính của chúng tôi, nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam lớn hơn khá nhiều so với con số chính thức. Con số được tính toán dựa trên cơ cấu tín dụng theo ngành, cơ cấu tín dụng theo nhóm khách hàng, cũng như tổng dư nợ/GDP của Việt Nam .

Giả sử tỷ lệ thu hồi nợ thành công là 30%, tổng chi phí xử lý các khoản nợ xấu vẫn trên 10 tỷ USD. Con số này tuy lớn, nhưng vẫn nằm trong khả năng kiểm soát với đóng góp từ cổ đông của các ngân hàng, Chính phủ và các NĐT nước ngoài. Chỉ có một câu hỏi là liệu Việt Nam đã đủ dũng cảm hành động ngay bây giờ hay không?

 

Ông từng có mặt tại một số quốc gia châu Á hứng chịu cuộc khủng hoảng 1997 - 1998. Vấn đề nợ xấu ở các quốc gia đó được xử lý như thế nào?

Hệ thống ngân hàng của Việt Nam có nhiều điểm tương tự hệ thống ngân hàng của các nước như Indonesia, Thái Lan và Hàn Quốc trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Chính vì vậy, tôi lo ngại nếu Việt Nam không hành động ngay lập tức. Các nước này chỉ tích cực đi vào cải tổ hệ thống ngân hàng sau khi đồng nội tệ đã sụp đổ và xảy ra khủng hoảng tài chính. Các biện pháp giải quyết vấn đề bao gồm buộc các ngân hàng phải công khai quy mô nợ xấu thực tế, sau đó trích lập dự phòng, quốc hữu hóa, tái cấp vốn và sáp nhập hoặc giải thể những ngân hàng yếu kém nhất.

Nhật Bản đã cố gắng giải quyết vấn đề nợ xấu bằng cách buộc các ngân hàng âm thầm trích lập dự phòng, bằng cách tái cấp vốn cho các khách hàng đang gặp khó khăn, với hy vọng thị trường bất động sản phục hồi. Cách tiếp cận này cuối cùng đã thất bại và khiến Nhật Bản từ nền kinh tế mạnh nhất thế giới trở thành một trong những nền kinh tế yếu nhất tại thời điểm đó. Vì vậy, chần chừ trong việc cải tổ hệ thống ngân hàng là rất nguy hiểm.

 

Không ít NĐT lo ngại về một cuộc khủng hoảng toàn diện do nợ xấu ngân hàng. Ý kiến của ông như thế nào?

Tuy nền kinh tế Việt Nam hiện khá ảm đạm, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu của khủng hoảng ngân hàng toàn diện. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân tôi trong các cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc, nếu có khủng hoảng, chúng ta có thể nhận biết ngay từ các tín hiệu: nợ xấu tăng cao, TTCK sụp đổ, kinh tế suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng mạnh.