Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng)
Hạn chế thứ nhất là việc phát triển nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, trong đó chưa làm rõ nguyên nhân dẫn đến yếu tố thiếu bền vững.
Đại biểu Thúy nhìn nhận, phải chăng là do quy hoạch nông nghiệp nói riêng, quy hoạch kinh tế - xã hội chưa phù hợp, vẫn còn tình trạng chú trọng số lượng hơn chất lượng, chưa tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chưa có sự liên kết giữa công nghiệp, chế biến với phát triển nông nghiệp, chưa có biện pháp đề phòng hữu hiệu trong phòng chống thiên tai, bão lũ…
Trên thực tế, vai trò của nông dân rất quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, do đó, trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ cần phải sớm đề xuất các giải pháp khắc phục để ổn định lòng dân, đời sống nông dân ổn định, nông nghiệp đóng góp nhiều hơn vào phát triển đất nước.
Hạn chế thứ hai là phát triển công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được đặt ra cả chục năm, nhưng đến nay, sau mốc thời điểm 1 năm, Việt Nam vẫn chưa cơ bản thành một nước công nghiệp.
“Quốc hội cần có chính sách đủ mạnh, Chính phủ cần có giải pháp đột phá để đạt được mục tiêu định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập vượt qua mức trung bình thấp”, đại biểu Kim Thúy nhấn mạnh.
Hạn chế thứ ba được đại biểu Kim Thúy nêu là vấn đề kỷ luật, kỷ cương quản lý tài nguyên đất đai, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản còn bị buông lỏng ở một số nơi. Báo cáo của Chính phủ đã nêu ra khuyết điểm này là cần thiết, nhưng cần đánh giá đúng mức ở mức độ cao hơn để có giải pháp chấn chỉnh tình trạng này.
Về xử lý 12 đại dự án thua lỗ, đại biểu Thúy cho biết, Quốc hội đã đưa vấn đề này vào Nghị quyết số 33/2016, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành việc xử lý. Bên cạnh đó, việc thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước theo Nghị quyết số 437/2017 là mọi việc phải hoàn thành để thực hiện từ năm 2019 nhưng đến giờ cũng chưa xong và chưa rõ thời gian hoàn thành nhưng không có cá nhân nào bị xử lý.
Thực tế, tình trạng buông lỏng kỷ luật, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, đất đai, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản xảy ra khá phổ biến và kéo dài. Khi một việc xảy ra phổ biến và kéo dài, thì phải tìm nguyên nhân ở cơ chế pháp luật. Một trong những cơ chế dẫn tới tình trạng vi phạm pháp luật, tham nhũng, khiếu kiện dai dẳng về đất đai là những quy định chưa phù hợp của Luật Đất đai.
“Chính vì nhận thấy điều này mà Chính phủ đã trình và Quốc hội cũng đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai vào chương trình xây dựng luật pháp luật năm 2019. Tuy nhiên, điều đáng tiếc cho tới thời điểm này, hết nhiệm kỳ vẫn chưa trình Quốc hội được dự thảo Luật”, đại biểu Kim Thúy băn khoăn.
Bên cạnh Luật Đất đai, việc không thực thi nghiêm túc Luật này và một số luật liên quan cũng là nguyên nhân dẫn tới vi phạm của một số cán bộ có trách nhiệm và tổ chức cá nhân có liên quan. Theo ý kiến của cử tri, thông tin về đất đai ở nhiều địa phương cho đến nay vẫn thiếu minh bạch.
Theo đại biểu Thúy, ở các nước, bản đồ địa chính đã công khai từ lâu, dân cư đến cơ quan nộp lệ phí là xem được. Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, nên việc thực hiện sẽ thuận tiện hơn, nhưng chúng ta không thực hiện nghiêm túc quy định tại Điều 28, Luật Đất đai về công khai thông tin. Điều này dẫn đến đủ thứ rủi ro mà người thiệt hại lớn nhất là dân, ví dụ như vụ Công ty Địa ốc Alibaba lừa đảo bán dự án "ma".
Công ty này đã mua lại các khu đất có diện tích lớn rồi cho người thân trong gia đình đứng tên để làm dự án, bất chấp khu đất đó mục đích sử dụng là nông nghiệp, trồng cây lâu năm đất rừng và nằm trong quy hoạch đường, nghĩa trang. Công ty Alibaba vẫn san ủi, xây đường, hạ tầng, vẽ dự án đất nền, giới thiệu bán cho hàng nghìn khách hàng.
“Nếu hệ thống thông tin mà tốt thì ai bán đất cho ai, dân chỉ cần lên kiểm tra hệ thống là rõ ngay về pháp lý. Việc thực thi pháp luật kém, có trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, nhưng trách nhiệm chính vẫn là của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp. Tôi mong rằng, Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ có giải pháp và cam kết giải quyết tình trạng này”, đại biểu Kim Thúy nhấn mạnh.