Theo Nghị định 153/2020/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm công bố thông trước đợt chào bán trái phiếu 1 ngày, sau đó công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu, công bố thông tin định kỳ, báo cáo tài chính bán niên, báo cáo tài chính năm, báo cáo sử dụng vốn, tình hình thanh toán lãi gốc trái phiếu, công bố thông tin bất thường... Các thông tin này được gửi cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) để Sở công bố trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp (Cbon).
Dù vậy, chỉ có những thông tin bắt buộc phải đưa lên Cbon theo Khoản 2, Điều 32, Nghị định 153/2020/NĐ-CP, HNX mới cập nhật lên cổng thông tin như tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước, bao gồm: tên doanh nghiệp phát hành, mã trái phiếu (nếu có), ngày phát hành, khối lượng, mệnh giá, ngày đáo hạn; tình hình phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, bao gồm: tên doanh nghiệp phát hành, ngày phát hành, khối lượng, mệnh giá, ngày đáo hạn, thị trường phát hành; tình hình chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, việc thực hiện quyền của chứng quyền, việc mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu (nếu có).
Các thông tin khác sẽ thực hiện theo thỏa thuận giữa Sở giao dịch chứng khoán và doanh nghiệp phát hành để cung cấp cho đối tượng được tiếp nhận thông tin theo Quy chế vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở giao dịch chứng khoán.
Như vậy, không phải thông tin nào doanh nghiệp gửi HNX đều được công bố trên Cbon.
Mang tính chất tự nguyện, tự giác là chủ yếu nên doanh nghiệp nào không thực hiện gửi thông tin cho HNX, Sở cũng khó có thể biết doanh nghiệp đã vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, phần lớn các trường hợp vi phạm công bố thông tin được phát hiện ở HNX như sai ngày gửi so với quy định. Trong khi đó, Điều 38, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định, HNX quản lý, giám sát việc thực hiện chế độ công bố thông tin và báo cáo đối với doanh nghiệp phát hành, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu.
Việc giám sát thụ động, dựa chủ yếu vào tính tự giác, tuân thủ của doanh nghiệp sẽ rất khó để phát hiện những trường hợp vi phạm. Được biết, hiện nay, HNX có 7 - 8 nhân sự phụ trách mảng thông tin trái phiếu riêng lẻ này.
Thực tế, thời gian qua, HNX hiếm khi có văn bản yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu giải trình, cung cấp bổ sung thông tin hoặc báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để xem xét, xử lý các vi phạm.
Khi giám sát của Sở giao dịch hạn chế, giám sát xã hội trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua phản ánh của các cơ quan truyền thông, các diễn đàn nhà đầu tư... đóng vai trò quan trọng.
Tới đây, thực thi Nghị định 65/2022/NĐ-CP với những quy định chặt chẽ hơn về phát hành trái phiếu riêng lẻ, kênh thông tin Cbon sẽ được quan tâm rộng rãi, đây cũng là một cổng thông tin để nhà đầu tư kiểm tra tính tuân thủ và minh bạch của tổ chức phát hành, từ đó gia tăng uy tín của nhà phát hành.
Thực hiện nghiêm các quy định về lĩnh vực này, gia tăng sự chủ động và phối hợp giữa các kênh giám sát của Sở giao dịch và các thiết chế giám sát xã hội khác, sẽ góp phần gia tăng tính minh bạch và phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trách nhiệm của Sở giao dịch chứng khoán
1. Tổng hợp thông tin về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp để công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp.
2. Tổ chức và giám sát việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán.
3. Quản lý, giám sát việc thực hiện đầy đủ và đúng hạn chế độ công bố thông tin và báo cáo đối với doanh nghiệp phát hành, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành.
4. Trường hợp phát hiện có sai phạm trong việc thực hiện chế độ công bố thông tin, báo cáo và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán, có văn bản yêu cầu doanh nghiệp phát hành và cá nhân, tổ chức có liên quan giải trình, cung cấp bổ sung thông tin hoặc báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để xem xét, xử lý tùy theo mức độ vi phạm.
5. Ban hành Quy chế tiếp nhận, giám sát công bố thông tin, báo cáo và vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp; Quy chế giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
(Lược trích Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP)