Tư duy đầu tư tài chính tốt là yếu tố then chốt giúp nhà đầu tư đưa ra những quyết định đúng. Theo ông, để có được tư duy này thì cần những yếu tố gì?
Tư duy tài chính là cách chúng ta hình dung, suy nghĩ, đánh giá và đưa ra các quyết định về quản lý tiền bạc và tài sản cá nhân. Dựa trên kinh nghiệm làm các lĩnh vực như tư vấn, đào tạo, phân tích và tự doanh trong lĩnh vực tài chính 15 năm qua, tôi đồng ý với quan điểm rằng, tư duy tài chính là yếu tố then chốt, quan trọng hàng đầu để đảm bảo sự thành công trong đầu tư của mỗi cá nhân.
Để có một tư duy chính xác đối với đầu tư tài chính, theo tôi, chúng ta cần chuẩn bị ba thứ.
Đầu tiên và quan trọng nhất là kiến thức nền về tài chính đủ tốt. Kiến thức này hoàn toàn có thể học tại trường lớp, các trung tâm hoặc tự học. Những kiến thức nền sẽ giúp chúng ta hiểu được cách thị trường tài chính và tài sản tài chính vận hành. Đây là gốc của tư duy. Có ba nhóm kiến thức tài chính nền mà một nhà đầu tư cần tìm hiểu là kiến thức vĩ mô tiền tệ, kiến thức tài chính doanh nghiệp và kiến thức phân tích kỹ thuật. Một người thực sự tập trung học nền tảng thì cá nhân tôi nghĩ chỉ mất từ 6 - 9 tháng là có nền tảng kiến thức tốt.
Thứ hai, sau khi có kiến thức nền đủ tốt thì chúng ta cần tự hỏi bản thân: mục tiêu tham gia thị trường tài chính là gì? Có người muốn làm giàu, có người muốn tích luỹ gia sản, có người muốn gắn bó sự nghiệp của mình với thị trường. Vậy ta thì sao? Mục tiêu của ta khi gia nhập “cuộc chơi” sẽ chi phối cách ta dành nguồn lực và xác định đúng vị trí của mình trong đó.
Thứ ba là khả năng tìm tòi, học hỏi liên tục. Tư duy của ta sẽ bị chi phối bởi kiến thức, mục đích và nhân sinh quan. Mỗi giai đoạn trưởng thành thì những yếu tố trên lại khác nhau. Vì thế, tư duy chính xác phải là sự trung hoà của tư duy đúng bản chất, sự phù hợp với cá nhân và sự phù hợp với vận hành của giai đoạn đó. Mọi thứ luôn phát triển về phía trước, nên ta phải chấp nhận liên tục học hỏi để nâng cấp, thậm chí thay đổi tư duy nếu cần.
Thông tin đóng vai trò là “kim chỉ nam” trong lĩnh vực đầu tư tài chính, nhưng sự nhiễu loạn thông tin đã dẫn đến những rủi ro đáng tiếc. Theo ông, làm thế nào để phòng ngừa được rủi ro này?
Cuộc sống hay đầu tư cuối cùng bao quanh đều là quyết định của sự lựa chọn và trong việc ra quyết định của mỗi cá nhân thì thông tin và tư duy là hai thứ chi phối toàn bộ. Thông tin càng nhiều sẽ giúp chúng ta càng có thêm góc nhìn đa dạng, tránh phiến diện hay thiên kiến. Tuy nhiên, quá nhiều thông tin mà không biết cách sắp xếp có thể lại phản tác dụng và gây nhiễu loạn.
Dưới đây là một số cách để nhà đầu tư có thể giải quyết được vấn đề này.
Trước tiên vẫn phải là kiến thức. Bởi chỉ có kiến thức mới giúp chúng ta xác định được chất lượng đầu vào, phân loại và phân nhóm thông tin. Kiến thức càng sâu và rộng thì lượng thông tin được chắt lọc lại cho mục đích phân tích sẽ càng ít và chính xác. Với thông tin thì “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”.
Có thể nói, kiến thức của người đọc chính là bộ lọc sơ khai và tự nhiên của việc sàng lọc thông tin. Tuy nhiên, để thông tin sắp xếp hiệu quả thì chúng ta vẫn cần phải có bộ sàng lọc và phân nhóm lại thông tin dựa theo “mục tiêu” của vấn đề mà chúng ta cần giải đáp, tránh để thông tin “trôi dạt” và dễ làm chúng ta bị “loạn” trong một bể thông tin. Theo tôi, câu hỏi càng rõ ràng thì chúng ta càng sắp xếp thông tin nhanh và chính xác.
Cuối cùng là lưu trữ khoa học. Quá trình học hỏi trong đầu tư là quá trình lâu dài, lượng thông tin mà chúng ta nhận về sẽ ngày càng nhiều và đòi hỏi phải được lưu trữ trật tự và khoa học, nếu không thì bộ não của chúng ta sẽ sớm quá tải và “nhớ nhớ, quên quên”. Cách hiệu quả là sử dụng các nền tảng lưu trữ thông tin trực tuyến như: Evernote, Notion, Flashcasrd. Cách hiệu quả hơn nữa là tham gia cộng đồng những con người có cùng mục tiêu, tư duy và chia sẻ liên tục cùng nhau.
Theo ông, công nghệ có làm thay đổi (hoặc hỗ trợ) vai trò “kim chỉ nam” của thông tin trong lĩnh vực tài chính, đầu tư?
Trong việc ra quyết định của mỗi cá nhân thì thông tin và tư duy là hai thứ chi phối toàn bộ.
Công nghệ, tiêu biểu như trí tuệ nhân tạo (AI), đầu vào đều là thông tin. Chính vì thế, AI cần thông tin để “sống” và “ra quyết định” thay cho chúng ta. Hay nói cách khác, AI không thay thế thông tin, chúng chỉ thay thế người phân tích và ra quyết định với thông tin. Tuỳ thuộc vào công việc chúng ta làm gì mà công nghệ sẽ là thay thế hoặc bổ trợ cho chúng ta.
Xét riêng đối với lĩnh vực thông tin trong tài chính thì tôi nghĩ, công nghệ đang là nhân tố quan trọng nhất giúp thị trường tài chính phát triển và hoàn thiện hơn. Điển hình đầu tiên phải kể đến sự minh bạch. Dữ liệu và công nghệ sẽ làm giảm thiểu “những vùng tối của thông tin” trong thị trường tài chính và từ đó minh bạch hoá thị trường.
Công nghệ cũng sẽ giúp nhà đầu tư trong thị trường tài chính dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin chính xác. Bởi lẽ, với lượng dữ liệu lớn và tốc độ xử lý nhanh, công nghệ có thể tự động phát hiện những xung đột trong thông tin và từ đó lấy về những thông tin có mức độ chính xác nhất dựa trên thuật toán. Với những người phân tích thông tin thì xác định tính chính xác của thông tin luôn đòi hỏi một lượng thời gian và công sức rất lớn.
Tiếp đến là công nghệ có kiến thức và có khả năng đọc hiểu dữ liệu rất nhanh. Một cái máy có thể làm việc bằng cả trăm, thậm chí cả ngàn người tại một thời điểm, điều đáng nói là mức độ sai sót có khi còn ít hơn. Với sự phát triển không ngừng của phần cứng máy tính như hiện nay, tốc độ sẽ ngày càng “khủng khiếp”. Tôi tin vào viễn cảnh, một ngày nào đó, một cái máy với dữ liệu lớn và AI có thể dự báo về lãi suất hay lợi nhuận doanh nghiệp một cách nhanh chóng và chính xác hơn các chuyên gia tài chính hàng đầu.
Như vậy, với thị trường tài chính, tôi cho rằng, công nghệ là một mắt xích rất quan trọng và gần như không thể thiếu để giúp thị trường tài chính có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, công nghệ thường thay đổi nhanh và mạnh, nên với các đơn vị quản lý thị trường tài chính thì việc “kiểm soát” công nghệ sẽ là một công việc không hề “nhẹ nhàng”.
Ở góc độ người làm dữ liệu và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, ông nhận thấy sự thuận lợi và khó khăn trong việc khai thác thông tin là gì?
Về thuận lợi trong việc khai thác thông tin, tôi cho rằng, mọi thứ dù còn mới mẻ nhưng đang thuận lợi hơn trước rất nhiều. Cách đây khoảng 10 năm, việc nhà đầu tư tiếp cận với dữ liệu kỹ thuật và dữ liệu tài chính vĩ mô là rất hạn chế.
Ngày trước, không có đơn vị nào cung cấp dữ liệu chính thống nên thậm chí chúng tôi còn phải tổng hợp dữ liệu giá và dữ liệu vĩ mô từng ngày để vẽ biểu đồ phân tích. Nhưng bây giờ, gần như mọi nhà đầu tư đều có thể tiếp cận các nền tảng dữ liệu và công cụ đầu tư với chi phí thấp.
Ngoài công ty công nghệ tài chính, thì các công ty chứng khoán cũng ngày càng đánh giá cao tầm quan trọng của dữ liệu và thông tin trong việc ra quyết định đầu tư của khách hàng. Chúng ta có thể thấy, chỉ trong 3 năm gần đây, hàng loạt nền tảng công cụ hỗ trợ đầu tư thông minh nhưng miễn phí đã được các công ty chứng khoán đầu tư số tiền rất lớn để phát triển. Sắp tới, có thể chính nhà đầu tư sẽ bị “ngộp” với các nền tảng hỗ trợ đầu tư và lượng thông tin ngày càng khổng lồ, nếu không có một chiến lược khai thác tốt.
Sự bùng nổ của thông tin trong khi nền tảng kiến thức và tư duy tài chính của phần đông nhà đầu tư vẫn còn yếu sẽ kéo theo những hệ luỵ và khó khăn không nhỏ. Trước mắt là tình trạng “nhiễu loạn” về thông tin sẽ ngày càng nở rộ. Tiếp đến là sự phân hoá ngày càng rõ nét giữa những người sở hữu lượng lớn dữ liệu, thông tin và công nghệ trong việc đầu tư với những người đầu tư nghiệp dư bị hạn hẹp về nguồn lực. Xu hướng tất yếu là thị trường tài chính sẽ dễ gia nhập hơn, nhưng ngày càng khó để chiến thắng thị trường.