Thông tin quyết định sự lành mạnh của thị trường
Về tổng thể, có 3 loại thông tin chính liên quan tới doanh nghiệp: Một là, thông tin nội bộ và loại thông tin này có quy định riêng về nội dung nào được chia sẻ, phổ biến đến đâu và điều gì phải giữ bí mật; hai là, thông tin công bố bên ngoài, bao gồm những nội dung bắt buộc, công khai, tuân thủ liên quan đến thuế, báo cáo tài chính, trách nhiệm và nghĩa vụ công bố thông tin cho nhà đầu tư, cho người tiêu dùng; ba là, thông tin có tính chất truyền thông, quảng bá. Mỗi loại thông tin có những quy định riêng, yêu cầu riêng về nội dung thông tin và thời gian công bố thông tin.
Nói chung, các loại thông tin của doanh nghiệp đều phụ thuộc vào đối tượng sử dụng thông tin đó và quy định một cách chi tiết. Ví dụ, báo cáo tài chính quy định từng hạng mục thông tin, hay như thông tin thanh quyết toán thuế đều là những luồng thông tin được quy định rất chặt chẽ, trong đó có yêu cầu tính trung thực và minh bạch. Thậm chí, còn có cả những cơ quan kiểm toán, kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán thuế và cao hơn là những cơ quan thanh tra, giám sát chuyên ngành để đảm bảo tính minh bạch của thông tin. Ở các nước phát triển, những thông tin này được coi là một trong những nghĩa vụ tuân thủ, nghiêm ngặt của các doanh nghiệp, nếu vi phạm sẽ bị xử lý rất nặng bởi được coi là không trung thực.
Trên thị trường tài chính cũng vậy, để đảm bảo thông tin đến nhà đầu tư cũng phải trải qua nhiều khâu như kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm và các cáo bạch bắt buộc để đảm bảo nhà đầu tư có đầy đủ thông tin và nhiều khả năng lựa chọn, mà không bị lừa dối. Chính vì vậy, thị trường tài chính thường được giám sát minh bạch về thông tin. Trách nhiệm minh bạch này không chỉ đối với các doanh nghiệp, mà còn là quy định về tuân thủ đối với những ai được tiếp cận thông tin này. Điều đó nhằm chống lại tình trạng kinh doanh nội gián, lũng đoạn thị trường như một số vụ án từng xảy ra trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây.
Thị trường tiêu dùng cũng có những quy định tuân thủ tương tự. Chính phủ Việt Nam cũng như các nước đều có quy định nghiêm ngặt về cấp phép xuất xứ hàng hóa, tuân thủ quy định về sản phẩm sạch, đặc biệt trong ngành y tế quy định rất chặt chẽ về dược phẩm được lưu hành và các quy trình về an toàn dược phẩm. Đây cũng là một trong những hàng rào có tính quốc tế để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng tại từng quốc gia.
Ngoài ra, người tiêu dùng được bảo vệ bởi Hiệp hội Người tiêu dùng, kể cả trong việc sử dụng hàng hóa thông thường cũng như các dịch vụ tài chính - ngân hàng để tránh tình trạng bán chéo sản phẩm tràn lan như nhân viên một số ngân hàng bán chéo bảo hiểm và trái phiếu doanh nghiệp hiện nay… Tình trạng này bắt nguồn từ việc không minh bạch thông tin, lợi dụng việc bất cân xứng thông tin giữa nhà đầu tư, người tiêu dùng, người cung cấp dịch vụ để thực hiện các hành vi gây thiệt hại cho người đầu tư và người được hưởng dịch vụ tài chính - ngân hàng nói chung.
Tương tự, thị trường bất động sản cũng có quy định riêng về công bố thông tin. Chính phủ đang dự kiến thành lập một trung tâm thông tin về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản…, thậm chí ban hành bộ chỉ số về giá bất động sản để các nhà đầu tư nói chung, người mua nhà để ở nói riêng tham khảo, từ đó tránh được tình trạng đầu cơ “thổi” giá, lũng đoạn thị trường.
Chuyển đổi số là công cụ quan trọng nhất để minh bạch hóa thông tin trên thị trường tài chính |
“Nút thắt” chuyển đổi số
Có nhiều biện pháp để thực hiện hiệu quả quy định về minh bạch thông tin trên thị trường tài chính, nhưng trước mắt nên tập trung vào những nội dung lớn sau:
Thứ nhất, trong hệ thống ngân hàng cần phải minh bạch về các điều kiện tín dụng, lãi suất tiền gửi cho vay gắn liền với kỳ hạn, đồng thời tách bạch thông tin về ngân hàng, trái phiếu, bảo hiểm. Minh bạch dòng tiền theo quy định hiện hành của Luật Các tổ chức tín dụng, bên cạnh đó là thông tin về cổ đông, cổ phần và người có liên quan…
Thứ hai, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần tuân thủ quy định về xếp hạng. Đây là một biện pháp kiểm tra, đánh giá khả năng trả nợ khi doanh nghiệp phát hành giấy nợ để huy động, vốn và là yêu cầu bắt buộc tối thiểu. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào thị trường trái phiếu phát hành đại chúng, thay vì phát hành riêng lẻ.
Thứ ba, trên thị trường chứng khoán, quan trọng nhất là kiểm toán báo cáo tài chính và giám sát chặt chẽ hoạt động giao dịch, nhất là các giao dịch có tính chất bất thường, vừa có hành vi kinh doanh nội gián, vừa có hành vi “đánh” chứng khoán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin thị trường, lợi ích của nhà đầu tư.
Thứ tư, trên thị trường bất động sản, phải thực hiện đầy đủ các quy trình thông tin, nghị định của Chính phủ, trong đó có các thông tin về dự án, sàn giao dịch, hoạt động giao dịch gắn liền với các dự án, đặc biệt là giá cả bất động sản tại các khu vực khác nhau. Điều này không chỉ liên quan đến lợi ích của người mua, mà còn liên quan đến giá tính thuế, giá đền bù giải phóng mặt bằng...
Thời gian tới, vấn đề minh bạch thông tin trên thị trường tài chính càng trở nên quan trọng hơn do thị trường có xu hướng ngày một biến động nhanh và mạnh hơn với sự tham gia của các yếu tố mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng. Đặc biệt là các quy định về cơ chế giảm phát thải xuyên biên giới như của châu Âu, Mỹ…, cộng với những biến động khó lường từ tình hình địa chính trị trên thế giới và những yếu tố có tính cách mạng về công nghệ thông tin như robot, AI, điện toán đám mây, dữ liệu lớn..., hay như hoạt động không biên giới của mạng xã hội, “cơn bão” thông tin sẽ càng tác động mạnh.
Để ứng phó với những biến đổi nhanh chóng của thế hệ thông tin mới, các doanh nghiệp cần phải thúc đẩy nhanh quá trình số hóa, đặc biệt với mảng khoa học dữ liệu, quản lý dữ liệu, phân tích và ứng dụng dữ liệu, công bố thông tin cần phải được tự động hóa một cách mạnh mẽ. Muốn vậy, bên cạnh đầu tư vào công nghệ, vấn đề quan trọng tiếp theo là phải đầu tư về con người.
Doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, bất động sản thậm chí còn phải thay đổi các tiêu chí về đào tạo, đào tạo tại chỗ, tiêu chí tuyển dụng nhân sự… Đặc biệt, khi dịch vụ tài chính đều được số hóa thì nhu cầu nguồn nhân lực sử dụng thành thạo các dịch vụ này càng lớn.
Tại Việt Nam, so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, tiến trình chuyển đổi số lĩnh vực tài chính đang rất chậm, trong khi lẽ ra có thể đi nhanh hơn các lĩnh vực khác, bởi quy trình nghiệp vụ, nội dung dịch vụ có tính đồng nhất cao và dễ thực hiện hơn. Nguyên nhân được chỉ ra là từ nền tảng pháp lý cho đến hạ tầng kỹ thuật chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Một số ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính đã tự mình đi trước, vừa làm vừa thăm dò trên nền tảng pháp lý không vững chắc nên rất dễ sai sót hoặc vi phạm pháp luật không đáng có. Đây là điều làm nhiều nhà quản trị nản lòng. Bởi vậy, kỳ vọng Chính phủ và các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn tới việc hoàn thiện pháp lý chuyển đổi số. Đặc biệt, cần lộ trình rõ ràng hơn về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong toàn bộ thị trường tài chính, bởi đây cũng là công cụ quan trọng nhất để minh bạch hóa thông tin trên thị trường này.