Bản thân HSBC ngay sau khi nhận được thông tin phản hồi đã có lời xin lỗi và ngay lập tức đưa ra bản chỉnh sửa vào đầu tuần này. Sự quan tâm về bản báo cáo của HSBC đã được đóng lại bởi một thị trường toàn màu đỏ vào giữa tuần này. Nhưng nếu nhìn lại một chút, thì trước đó, cũng có không ít bản báo cáo có những số liệu chưa chuẩn xác từ các tổ chức nước ngoài khác (cũng rất uy tín) được phát ra. Sau những sự việc như vậy, có nhà đầu tư đã phải “than” rằng: “Họ cũng như ta”. Trước sự kiện của HSBC là trường hợp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khi gửi một đánh giá của mình tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Khi bản đánh giá này được đưa ra, dư luận khi đó còn phản ứng mạnh hơn rất nhiều, mà nguyên nhân cũng chỉ là hai từ “số liệu” dành cho chỉ số P/E. Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại trong nước, câu chuyện số liệu tại Việt Nam vẫn chưa đến hồi kết. Các định chế đầu tư, như các ngân hàng, quỹ đầu tư nước ngoài... không chỉ đầu tư cho họ, mà còn cho cả khách hàng. Để khách hàng hiểu hơn về thị trường mà họ sẽ đem vốn đầu tư, thì phải có báo cáo. Vấn đề ở chỗ, về mặt phương pháp luận khi đánh giá thì chuẩn xác, nhưng số liệu trích dẫn thì rất khó tìm nguồn chuẩn xác. Cũng theo vị lãnh đạo này, đến ngay cả ngân hàng trong nước khi cho doanh nghiệp vay vốn nhiều khi cũng không thể khẳng định các số liệu báo cáo mà doanh nghiệp đưa ra trong hồ sơ vay vốn đã chính xác hay chưa, dù đã có dấu của kiểm toán. “Trong nước còn như vậy, huống gì các nhóm nghiên cứu ngồi ở nước ngoài khó có khả năng tiếp cận nguồn dữ liệu gốc tại thị trường Việt Nam” - vị lãnh đạo này cho biết. “Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại, đối với các tổ chức lớn quốc tế hay các định chế tài chính lớn quy mô toàn cầu, không nên để những sai sót như vậy phát sinh, bởi sẽ ảnh hưởng tới uy tín của họ trong hoạt động”. Vấn đề số liệu chính xác đến đâu có lẽ sẽ vẫn là dấu hỏi lớn với nhiều nhà đầu tư, cho dù thị trường chứng khoán được coi là nơi có thông tin minh bạch nhất. Mới đây nhất là chuyện dư luận lại xôn xao về con số đầu tư gián tiếp nước ngoài là bao nhiêu, ngay đến cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước cũng không khẳng định được chính xác con số là 4 tỷ USD, 1,9 tỷ USD hay 1,3 tỷ USD... Với những vấn đề còn gặp phải trên thị trường chứng khoán về mặt số liệu nói riêng và thông tin công bố nói chung, chưa kể việc bị làm nhiễu bởi tin đồn, có lẽ nhà đầu tư cũng nên có quan điểm rằng, mọi thông tin chỉ là để tham khảo mà thôi.
Thông tin chỉ để tham khảo!
(ĐTCK-online) Sự kiện một ngân hàng lớn như HSBC đưa ra bản đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam có một số số liệu chưa chuẩn xác về chỉ số P/E đã dấy lên sự quan tâm từ phía nhà đầu tư, giới phân tích, cũng như các công ty có tên trong bảng số liệu đó.