Theo Bộ Công thương, tính đến 12h00 ngày 16/02, tại 5 cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn chỉ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đang tồn 376 xe nông sản, trái cây như thanh long, mít, ớt, nhãn (hơn ngày 15/02 là 84 xe). Đây là cửa khẩu còn nhiều xe nông sản tồn nhất.
Còn tại cửa khẩu Tân Thanh không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu, còn tồn 1 xe thanh long.
Cửa khẩu Cốc Nam cũng không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu, còn tồn 10 xe nông sản, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm.
Cửa khẩu Chi Ma còn tồn 4 xe (1 xe tái nhập khẩu thạch đen, 1 xe hồ tiêu, 2 xe quả sung khô) và ga Đồng Đăng đã nhập khẩu 19 toa bát đĩa sứ, còn tồn 22 toa thép tròn.
Ngoài ra, tại tỉnh Lào Cai, tại cửa khẩu Kim Thành II, đang tồn hơn 365 xe trái cây các loại, chủ yếu là thanh long.
Bộ Công thương đánh giá, lượng xe đang lên khu vực cửa khẩu tăng nhanh do thương lái, doanh nghiệp tăng cường chuyển hàng lên cửa khẩu khi thấy thông tin từ nhiều kênh khác nhau về việc xuất khẩu tại các cửa khẩu đang có tín hiệu thuận lợi.
Tại các tỉnh khác không có diễn biễn phát sinh so với báo cáo gửi ngày 14-15/2/2020.
Giá thu mua thanh long từ 3-4 ngày gần đây tăng giá trở lại. Từ mức bình quân khoảng 3.000 đồng lên 15.000 đồng/kg (tại khu vực huyện Châu Thành, tỉnh Long An).
Giá thu mua thanh long tại tỉnh Đồng Tháp cũng tăng từ 4.000-5.000 đồng/kg so với vài ngày trước.
Tại khu vực Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cũng ghi nhận giá mua thanh long ruột đỏ sáng 17/2 loại 1 là 35.000 đồng/kg; loại 2 là 28.000 đồng/kg và loại 3 là 22.000 đồng/kg, tăng từ 15.000- 20.000 đồng/kg so với mức giá cách đây khoảng 1 tuần.
Ngày 11/02/2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với tỉnh Long An và một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng như đánh giá, trước thách thức xuất khẩu nông sản như thanh long gặp khó trước ảnh hưởng từ Covid-2019 lại là cơ hội để Long An tái cơ cấu thị trường trái thanh long nói riêng, nông sản khác nói chung.
Với gần 12.000 hecta trồng thanh long tại tỉnh Long An, cần được cần tổ chức lại chuỗi giá trị cho trái thanh long, đặc biệt đầu tư chế biến cũng như áp dụng các tiêu chuẩn canh tác, hướng đến truy xuất nguồn gốc hoàn chỉnh.