“Thống kê là tai, là mắt của Đảng và Nhà nước”

0:00 / 0:00
0:00
Tai phải thính, mắt phải tinh; nếu tai không thính, mắt không tinh sẽ dẫn đến số liệu không sát thực tế, không đầy đủ, kịp thời, khiến cơ chế, chính sách ban hành không sát thực tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị Thống kê toàn quốc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị Thống kê toàn quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Hội nghị Thống kê toàn quốc vừa được tổ chức sáng nay, ngày 17/3/2022.

Con số thống kê phải biết nói

“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, thống kê là tai, là mắt của Đảng và Nhà nước. Câu nói của Bác rất dung dị, mộc mạc, nhưng rất sâu sắc về hoạt động thống kê. Ngành thống kê phải luôn khắc cốt ghi tâm lời dạy của Bác”, Thủ tướng Phạm Minh Chính mở đầu bài phát biểu.

Theo Thủ tướng, ngành thống kê được coi là tai mắt vậy làm sao tai phải thính, mắt phải tinh. Bởi nếu tai không thính, mắt không tinh sẽ dẫn đến số liệu không sát thực tế, không đầy đủ, kịp thời sẽ khiến các cơ quan hoạch định chính sách, thi hành chính sách dễ đi sai đường và hậu quả để lại sẽ rất lớn.

“Ông cha ta từng dạy, “nói có sách, mách có chứng”. Nói ở đâu, dựa vào chứng cứ nào, số liệu nào phải qua hoạt động thống kê. Con số phải biết nói, bản thân con số khô khan, vì vậy ngoài thống kê đơn thuần phải có phân tích, nhận định, dự báo để con số khô khan biết nói.

Con số biết nói rồi thì phải sử dụng con số này vào công tác quản lý, điều hành, hoạch định chính sách thế nào để những con số thống kê góp phần quan trọng trong việc quản lý, điều hành hiệu quả, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt trong bối cảnh cả nền kinh tế, cả xã hội, từng người dân bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 trong suốt hơn 2 năm vừa qua”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Báo cáo với Thủ tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương khẳng định, hoạt động cung cấp, phổ biến thông tin thống kê trong những năm gần đây được đẩy mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của Chính phủ, của lãnh đạo các bộ, ngành và nhu cầu của người dùng tin. Đặc biệt trong năm 2020 và 2021 vừa qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực và nặng nề đến nước ta, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin được quan tâm, thể hiện qua việc nhiều bộ, ngành đã phối hợp, chia sẻ thông tin với Tổng cục Thống kê; phối hợp hiệu quả trong triển khai thực hiện các cuộc Tổng điều tra nhằm có được nhiều bức tranh tổng thể, chi tiết về tình hình kinh tế, xã hội, doanh nghiệp, hợp tác xã...

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Tường Văn cho biết, trong những năm vừa qua, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thống kê trên địa bàn và xác định thông tin thống kê là căn cứ quan trọng để các cấp chính quyền địa phương đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, xây dựng nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch, ban hành cơ chế, chính sách, quản lý, điều hành, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

“Chính vì vậy, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều chỉ thị, chương trình, kế hoạch, yêu cầu các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất-kinh doanh thực hiện nghiêm túc Luật Thống kê, Chiến lược Phát triển thống kê Việt Nam. Trong chỉ đạo, điều hành thực hiện phát triển kinh tế, xã hội, Quảng Ninh luôn xác định số liệu thống kê do Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê Quảng Ninh công bố, cung cấp là những thông tin thống kê, tài liệu quan trọng, chính thống, có độ tin cậy cao để sử dụng làm căn cứ phân tích, đánh giá, nhận định tình hình từ đó đưa ra quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội”, ông Văn nhấn mạnh.

Hoạt động thống kê vẫn bị xem nhẹ

Tuy nhiên, số bộ ngành, địa phương có nhận thức đúng đắn về vai trò của công tác thống kê như Quảng Ninh không nhiều.

Theo bà Hương, hiện tại, nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thống kê còn chưa đầy đủ, có lúc, có nơi còn xem nhẹ. Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đến nghiệp vụ thống kê, chưa thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện hệ thống chỉ tiêu, chế độ báo cáo thống kê.

“Một số bộ ngành, địa phương chưa thường xuyên quan tâm và sử dụng số liệu thống kê, chỉ quan tâm khi đánh giá cuối năm hoặc cuối nhiệm kỳ nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác thống kê, số liệu và thông tin thống kê. Thậm chí, tổ chức, bộ máy thống kê ở không ít bộ, ngành chưa được hoàn thiện; nhân lực làm công tác thống kê mỏng, không ổn định, chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê”, bà Hương cho biết thực tại.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Quý Kiên cho biết, số lượng và chất lượng thông tin thống kê lĩnh vực tài nguyên và môi trường mặc dù được nâng lên nhưng vẫn còn một số lĩnh vực thiếu thông tin hoặc thông tin không bảo đảm độ tin cậy cũng như tính kịp thời để đáp ứng yêu cầu đánh giá, phân tích, phục vụ công tác quản lý nhà nước. Công tác phân tích và dự báo còn hạn chế, một số chỉ tiêu thống kê vẫn chỉ dừng lại ở việc cung cấp số liệu thô và phân tích đánh giá sơ bộ, chưa có phân tích dự báo chuyên sâu.

“Một trong những nguyên nhân dẫn đến tính trạng này là hiện nay từ trung ương đến địa phương nhiều cơ quan chưa hình thành bộ phận, cán bộ chuyên trách thống kê tài nguyên môi trường. Cán bộ làm công tác thống kê là cán bộ kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo về thống kê do đó chất lượng, số liệu thống kê một số chỉ tiêu chưa cao. Ngay như ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, số lượng công chức làm công tác thống kê hiện tại là 45 người, nhưng tất cả là kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách về công tác thống kê”, ông Kiên cho biết.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những bất cập trong công tác thống kê hiện nay chính là “lỗi hệ thống”.

“Những nơi tôi đến làm việc đều có cái khó chung và là khó nhất đó chính là số liệu thống kê. Không có số liệu thống kê đầy đủ, chính xác, cập nhật, kịp thời, khách quan trung thực thì làm sao các cấp lãnh đạo ra được kế hoạch, chiến lược, cơ chế, chính sách, quy hoạch chính xác, sát với thực tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, Việt Nam cũng như thế giới đang đẩy mạnh áp dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý, quản trị, điều hành. Muốn áp dụng được trí tuệ nhân tạo thì phải có dữ liệu lớn (Big data). Muốn có được dữ liệu lớn thì phải có được số liệu thống kê.

“Nhận thức về thống kê của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương phải thay đổi, phải xác định công tác thống kê đặc biệt quan trọng.

Phải luôn quan tâm đến hoạt động thống kê, bởi chỉ quan tâm thì số liệu thống kê mới đầy đủ, toàn diện, khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời, liên tục, hội nhập, lưu trữ đầy đủ. Chứ không phải thích thì thống kê, không thích thì thôi, thấy cái này quan trọng thì thống kê, cái khác cho là không quan trọng thì bỏ qua hoặc thống kê không đầy đủ, kịp thời.

Nếu không có số liệu thống kê đầy đủ, kịp thời, toàn diện, khách quan thì làm sao có được bức tranh toàn diện về kinh tế, xã hội để từ đó xây dựng kế hoạch, chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xã hội”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Tin bài liên quan