Thống kê kinh tế chưa được quan sát không phải để “làm đẹp” số liệu GDP

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê khẳng định, ngành thống kê có trách nhiệm phản ánh trung thực bức tranh kinh tế - xã hội, không bị bất cứ áp lực nào để “làm đẹp số liệu” khi thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Tổng cục Thống kê vừa họp báo công bố Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, bao gồm, kinh tế ngầm; kinh tế bất hợp pháp; kinh tế phi chính thức; kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình; và hoạt động kinh tế bị bỏ sót.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). 

GDP là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng, phản ánh “toàn bộ kết quả cuối cùng của các hoạt động sản xuất của tất cả các đơn vị thường trú trong nền kinh tế của một nước trong một thời kỳ nhất định (quý, 6 tháng, 9 tháng và năm); phản ánh các mối quan hệ trong quá trình sản xuất, phân phối thu nhập, sử dụng cuối cùng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế quốc dân”.

Đồng thời, GDP cũng phản ánh quy mô và tiềm lực kinh tế của một quốc gia và là cơ sở để tính toán các chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng như tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách Nhà nước, tỷ lệ nợ công và nhiều chỉ tiêu khác.

Do vậy các quốc gia đều luôn quan tâm đo lường đầy đủ quy mô của nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong thực tiễn, cho tới nay chưa nền kinh tế nào đo lường được đầy đủ kết quả của tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ phận các hoạt động kinh tế không thu thập được dữ liệu cơ bản phục vụ biên soạn Hệ thống tài khoản quốc gia, trong đó có chỉ tiêu GDP được các nhà kinh tế gọi là khu vực kinh tế chưa được quan sát, viết tắt là NOE (Non Observed Economic Activities).

Đối với Việt Nam, trong 5 thành tố kinh tế chưa được quan sát, hiện ngành thống kê mới chỉ thực hiện thống kê được 3 thành tố đầu nhưng chưa đầy đủ, còn 2 thành tố cuối cùng là kinh tế ngầm (hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng bị giấu diếm một cách có chủ ý nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính và trách nhiệm xã hội) và kinh tế bất hợp pháp (hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm và các hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng hoạt động khi chưa được cấp phép) chưa thống kê được.

“Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 146/QĐ-TTg (ngày 1/2/2019) phê duyệt bố Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế; đồng thời góp phần bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với nền kinh tế”, ông Lâm nhấn mạnh.

Việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với nền kinh tế chứ không phải để “làm đẹp số liệu” hay tạo điều kiện để Việt Nam gia tăng vay nợ, chi tiêu, đầu tư…

Vẫn theo ông Lâm, không chỉ có Việt Nam quan tâm đến việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát mà nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành các nghiên cứu để đo lường khu vực kinh tế này.

Cụ thể, Cơ quan Thống kê châu Âu đã thực hiện 2 vòng về khảo sát các hoạt động chưa được quan sát nhằm chuẩn hóa khái niệm và thống nhất phương pháp tính toán các hoạt động kinh tế chưa được quan sát vào hệ thống tài khoản quốc gia trong khu vực.

Hội đồng Kinh tế châu Âu cũng tiến hành 3 cuộc khảo sát việc đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát. Trong đó, cuộc khảo sát đầu tiên thực hiện năm 1991 tại 9 nước; cuộc khảo sát lần thứ hai thực hiện năm 2001-2002 tại 29 nước, chủ yếu là các nước thành viên Hội đồng Kinh tế châu Âu.

Đặc biệt, cuộc khảo sát lần thứ ba tiến hành năm 2005-2006 được thực hiện tại 45 nước với 3 mục tiêu tổng hợp các hoạt động kinh tế chưa được quan sát đã được đo lường; đúc kết phương pháp đo lường; tiếp tục cập nhật tài liệu “tóm tắt” xuất bản năm 1993 để các nước tham khảo, vận dụng.

Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ khu vực kinh tế chưa được quan sát so với GDP chênh lệch khá lớn giữa các nước cũng như giữa các thời kỳ khác nhau của một nước.

Năm 2020 Việt Nam mới bắt đầu đo lường chính thức khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc khi thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ làm thay đổi số liệu về GDP và các chỉ tiêu tính toán dựa vào GDP như nợ công, nợ chính phủ, bội chi, thu nhập bình quân đầu người, năng suất lao động… ông Lâm khẳng định, ngành thống kê có trách nhiệm phản ánh trung thực bức tranh kinh tế - xã hội, không bị bất cứ áp lực nào để “làm đẹp số liệu” khi thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Ở nước ta, theo ông Lâm, cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, các hoạt động kinh tế chưa được quan sát xuất hiện ngày càng đa dạng và phức tạp, tồn tại trong nhiều lĩnh vực.

Những năm vừa qua, ngành thống kê đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng thu thập thông tin thống kê, nhất là thông tin đầu vào, góp phần giảm thiểu phạm vi và quy mô của khu vực kinh tế này.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít hoạt động kinh tế chưa cập nhật được đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh do còn bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.

Việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với nền kinh tế chứ không phải để “làm đẹp số liệu” hay tạo điều kiện để Việt Nam gia tăng vay nợ, chi tiêu, đầu tư…

“Việc triển khai, thực hiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ là căn cứ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê, phản ánh sát thực và đầy đủ hơn về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác xây dựng Chiến lược, quy hoạch và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các ngành, lĩnh vực và địa phương”, ông Lâm nhấn mạnh.

Tin bài liên quan