Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp sáng 1/8/2022 tại trụ sở Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chia sẻ về một số chương trình mà ngành Ngân hàng đã triển khai .
Cụ thể, từ năm 2012, ngành Ngân hàng đã triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội gói 30.000 tỷ đồng. Kết thúc vào năm 2016, doanh số cho vay đạt trên 29.000 tỷ đồng. Hiện nay, gói này cũng chỉ còn dư nợ khoảng 7.200 tỷ đồng.
“Đây là một chương trình rất thành công, giúp việc cải thiện nhà ở cho người có thu nhập thấp”, Thống đốc nhấn mạnh.
Tiếp đó, ngành Ngân hàng đã triển khai cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, theo đó, giao trách nhiệm cho Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, đối với chủ đầu tư thì vay từ các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cho biết, đến nay, ngân sách chưa bố trí được để cấp bù lãi suất cho các TCTD được chỉ định tham gia, nên chưa triển khai được, khi có ngân sách cấp bù thì TCTD sẽ thực hiện cho vay từ nguồn huy động được từ người dân.
Theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, việc cho vay nhà ở xã hội cũng là một trong những đối tượng được quan tâm, với các gói Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay. Trong Nghị quyết 11, có một nhiệm vụ giao NHNN chủ trì phối hợp các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định hỗ trợ lãi suất 2% trong năm 2022-2023 từ ngân sách nhà nước. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP, NHNN cũng đã ban hành Thông tư quy định rõ nhiệm vụ, chức năng các bộ, ngành, quy trình, thủ tục cho vay…
Được biết, các doanh nghiệp, tập đoàn xây dựng đã đăng ký xây dựng hơn 1 triệu căn nhà ngay tại Hội nghị này, Thống đốc cho hay, nếu tính sơ bộ, nguồn vốn có thể dao động khoảng từ 600 ngàn tỷ đồng đến 1 triệu tỷ đồng và thực hiện trong 10 năm. Về vốn, các TCTD có thể huy động từ người dân để cho vay. Về lãi suất, hiện nay, Nghị định 31 có hỗ trợ lãi suất 2% để triển khai trong năm 2022 - 2023, nếu các dự án có thể triển khai được thì có thể tận dụng gói hỗ trợ này.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, về cho vay doanh nghiệp trả lương, theo Nghị quyết 68, với chỉ đạo quyết liệt của Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT, Ngân hàng Chính sách xã hội đã 36 lần rút vốn và cho vay 3.561 đợt doanh nghiệp để trả lương cho trên 1,2 triệu lao động nhằm ổn định việc làm.
Chính phủ cũng đã dành gói an sinh 38.400 tỷ đồng, trong đó 15.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 10.000 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm, 9.000 tỷ đồng cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 3.000 tỷ đồng cho các cháu để mua máy vi tính, 1.400 tỷ đồng cho cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học công lập vay vốn.
Về nhà ở, hiện nay có 185.741 người nghèo được vay để giải quyết nhu cầu về nhà ở, 29.953 hộ đang thụ hưởng chính sách nhà vượt lũ, 13.836 hộ vay chính sách nhà ở tránh bão khu vực miền Trung. Chương trình nhà ở xã hội đã giải ngân được 9.506 tỷ đồng cho 25.224 hộ. Về gói kích cầu, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 9.514 tỷ đồng cho 255.192 hộ vay vốn và đạt trên 50% kế hoạch. Trong đó, 6.980 tỷ đồng cho vay việc làm và 1.669 cho vay nhà ở xã hội với 5.861 hộ đang vay và 669 tỷ đồng cho các cháu đang vay mua máy tính, đã mua 70.643 máy tính.
Thời gian qua, các bộ, ngành hết sức tích cực trong việc tạo lập chính sách và điều kiện vay vốn. Riêng các tỉnh cũng hết sức quyết liệt, đặc biệt trong việc tăng vốn uỷ thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, tổng uỷ thác của các địa phương là 28.500 tỷ đồng, trong đó Hà Nội là 6.300 tỷ đồng, TPHCM là 3.100 tỷ đồng, Bình Dương là 1.800 tỷ đồng, Đà Nẵng là 1.700 tỷ đồng, Vũng Tàu là 1.300 tỷ đồng, Đồng Nai là 900 tỷ đồng.