Thống đốc: Nếu lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, sẽ điều chỉnh tăng trưởng tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
Để phục vụ tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên năm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết các đơn vị đang rà soát hành lang pháp lý về các kênh bơm tiền để khi cần sẵn sàng bơm tiền ra nền kinh tế.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế tổ chức sáng nay (21/2), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng bày tỏ, NHNN quyết tâm cao trong góp phần đạt tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, song song với kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế…

Bối cảnh kinh tế thế giới năm nay hết sức phức tạp, đặc biệt là những căng thẳng thương mại do chính sách thuế của chính quyền Donal Trump. Do đó, điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương - trong đó có Việt Nam, cũng chịu nhiều áp lực. Trong nước, dù nền kinh tế đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Thống đốc cho biết, trong bối cảnh nói trên, mục tiêu trọng tâm của NHNN là theo dõi sát sao tình hình, chủ động đưa ra giải pháp, công cụ với thời điểm, liều lượng hợp lý để kiểm soát, ổn định vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Bởi sự an toàn, ổn định của hệ thống ngân hàng chính là nền tảng đảm bảo sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Điều hành tín dụng cũng là trọng tâm được NHNN coi trọng, vì nền kinh tế Việt Nam dựa rất lớn vào vốn ngân hàng. Năm 2025, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% và đã thông báo ngay từ đầu năm.

“Năm nay, căn cứ vào mục tiêu lạm phát 4,5-5%, NHNN sẽ đánh giá, theo dõi thực tế. Trường hợp kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn, chúng tôi sẽ điều chỉnh tăng trưởng tín dụng. Ngược lại, nếu lạm phát có nguy cơ tăng cao, NHNN cũng sẽ có điều chỉnh phù hợp”, Thống đốc cho biết.

Theo người đứng đầu NHNN, để hỗ trợ nguồn vốn tăng trưởng tín dụng ở mức cao như trên, hiện ban lãnh đạo NHNN đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát hành lang pháp lý đối với các kênh bơm tiền ra. Theo đó, khi cần bơm tiền ra để hỗ trợ nền kinh tế, NHNN có thể thực hiện ngay vì đã có sẵn cơ sở pháp lý cần thiết.

Riêng về tỷ giá và lãi suất, Thống đốc cho rằng, đây là các vấn đề vô cùng thách thức, biến số lãi suất và tỷ giá tác động rất lớn đến nền kinh tế trong nước cũng như dòng vốn vào ra. Do đó, NHNN sẽ theo sát diễn biến hàng ngày để điều tiết.

Hiện tại, với lãi suất, NHNN đang tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Việc điều hành lãi suất không thể tách rời với điều hành tỷ giá.

Để điều hành chính sách tiền tệ thuận lợi hơn, Thống đốc kiến nghị, muốn tăng trưởng cao, nền kinh tế cần huy động tối đa nguồn vốn, cả trong và ngoài nước vì bản thân nền kinh tế Việt Nam tiết kiệm chưa đủ bù đắp nhu cầu đầu tư. Hiện dư địa vay vốn nước ngoài của Việt Nam đang có, các bộ ngành cũng đang nghiên cứu, rà soát.

Ngoài tận dụng nguồn vốn ngoại, Thống đốc cũng đề nghị nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Việc Chính phủ triển khai các giải pháp cải cách cơ chế, giảm tầng lớp trung gian, rút ngắn thời gian phê duyệt dự án… thời gian qua cũng là cách làm tăng hiệu quả dòng vốn, từ đó vốn quay lại ngân hàng nhanh hơn, giúp ngành ngân hàng có thêm nguồn để cho vay doanh nghiệp và có điều kiện để giảm lãi vay.

Với tín dụng, để tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra, Thống đốc kiến nghị cần triển khai các giải pháp hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ, đơn cử như chính sách bảo lãnh vay vốn phải được triển khai hiệu quả hơn. Ngoài ra, cũng cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

“Dư nợ bất động sản hiện đạt 3,48 triệu tỷ đồng nhưng nhiều dự án đang gặp khó khăn. Nếu được tháo gỡ, dòng tiền chảy vào lĩnh vực này sẽ được lưu thông hiệu quả hơn”, Thống đốc kiến nghị.

Riêng với tỷ giá – hiện đang chịu sức ép lớn bởi chính sách thuế của Donal Trump và nguy cơ bị Mỹ tiếp tục điều tra về thao túng tiền tệ do Việt Nam xuất siêu lớn vào Mỹ, Thống đốc kiến nghị, Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo để hài hòa thương mại với các đối tác lớn, tránh rủi ro về thuế.

Tin bài liên quan