Thống đốc BOJ, Kazuo Ueda

Thống đốc BOJ, Kazuo Ueda

Thống đốc mới của BOJ cam kết sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Hai (10/4), Thống đốc Ngân hàng Trung ương mới của Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda cho biết, ông sẽ liên lạc chặt chẽ với chính phủ và điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, đồng thời cảnh báo về sự không chắc chắn cao đối với triển vọng kinh tế.

Tân Thống đốc Kazuo Ueda đang phải đối mặt với một con đường gập ghềnh khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại che mờ triển vọng lạm phát và tiền lương tăng bền vững, đây cũng là điều kiện tiên quyết để loại bỏ dần chính sách kích thích tiền tệ gây tranh cãi của thống đốc tiền nhiệm.

“Với sự không chắc chắn về kinh tế cao, BOJ sẽ liên lạc chặt chẽ với chính phủ và hướng dẫn chính sách tiền tệ một cách linh hoạt”, ông Ueda nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Thủ tướng Fumio Kishida để nhận thư bổ nhiệm chính thức.

Ông Ueda cũng cho biết, ông đồng ý với Thủ tướng rằng không cần phải sửa đổi ngay tuyên bố chung giữa chính phủ và BOJ, theo đó ngân hàng trung ương cam kết đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong thời gian sớm nhất có thể.

Các thị trường sẽ tìm kiếm manh mối về việc ông Ueda có thể sớm loại bỏ chính sách kiểm soát lợi suất không được ưa chuộng vốn đã bị chỉ trích vì bóp méo thị trường và làm tổn hại đến lợi nhuận ngân hàng.

Trong các phiên điều trần xác nhận của Quốc hội vào tháng 2, ông Ueda đã nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ dễ dàng để đảm bảo Nhật Bản đạt được mục tiêu lạm phát 2% của BOJ một cách bền vững được hỗ trợ bởi tăng trưởng tiền lương.

Nhưng với lạm phát vượt quá mục tiêu, nhiều nhà phân tích kỳ vọng BOJ sẽ điều chỉnh hoặc chấm dứt kiểm soát đường cong lợi suất, đây là chính sách kết hợp mục tiêu 0,1% đối với lãi suất ngắn hạn và mức trần 0% đối với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm.

“Tác dụng phụ ngày càng tăng là dấu hiệu cho thấy hiệu quả chính sách kiểm soát đường cong lợi suất đang tác động đến nền kinh tế. Khi đến thời điểm thích hợp, ban điều hành mới của BOJ có thể sẽ sửa đổi hoặc bãi bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất”, cựu Phó thống đốc BOJ Hiroshi Nakaso cho biết.

Lạm phát và tăng trưởng tiền lương trì trệ lâu dài của Nhật Bản đang cho thấy những dấu hiệu thay đổi. Sau khi đạt mức cao nhất trong 41 năm là 4,2% vào tháng 1, lạm phát tiêu dùng cơ bản vẫn ở mức trên 3% do nhiều công ty tăng giá để đối phó với chi phí nguyên vật liệu tăng.

Phát biểu trong cuộc họp báo cuối cùng với tư cách là Thống đốc vào thứ Sáu (7/4), ông Haruhiko Kuroda cho biết, Nhật Bản đang tiến gần hơn đến việc đạt được mức lạm phát 2% bền vững khi nhận thức lâu nay của công chúng rằng giá cả sẽ không tăng đang bắt đầu thay đổi.

Tuy nhiên, lo ngại về suy thoái kinh tế của Mỹ đang gia tăng là một trong những trở ngại đối với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản. Trong khi việc chấm dứt các biện pháp kiểm soát Covid-19 đang thúc đẩy tiêu dùng, một số nhà phân tích cảnh báo một loạt đợt tăng giá gần đây đối với các nhu yếu phẩm hàng ngày cũng có thể ảnh hưởng đến chi tiêu.

Thống đốc Kazuo Ueda sẽ chủ trì cuộc họp chính sách đầu tiên của mình vào ngày 27/4 và 28/4, khi hội đồng sẽ đưa ra dự báo tăng trưởng hàng quý mới nhất và dự báo lạm phát đến năm tài chính 2025.

Các thị trường hiện đang tập trung vào việc liệu hội đồng quản trị có dự đoán lạm phát tăng tốc, hoặc thậm chí đạt mức lạm phát 2% trong năm tài khóa 2024 và 2025 hay không.

Theo dự báo hiện tại, BOJ dự kiến lạm phát tiêu dùng cơ bản sẽ đạt 1,6% trong năm tài chính hiện tại và tăng tốc lên 1,8% vào năm sau.

Ông Kazuo Ueda từng là thành viên hội đồng quản trị của BOJ từ năm 1998 đến năm 2005, trong thời gian đó ngân hàng trung ương đưa ra lãi suất bằng 0 và sau đó nới lỏng định lượng để chống tình trạng giảm phát và kinh tế bị đình trệ.

Tin bài liên quan