Thống đốc Lê Minh Hưng: Xử lý nợ xấu sẽ không sử dụng tiền ngân sách

Thống đốc Lê Minh Hưng: Xử lý nợ xấu sẽ không sử dụng tiền ngân sách

(ĐTCK) Tính trung bình những năm qua, nợ xấu phát sinh thêm hằng năm là từ 1,3% - 1,5%.

Phiên thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tại thời điểm tháng 9/2012 khi báo cáo Quốc hội thì tỷ lệ nợ xấu ước tính một cách thận trọng là chiếm 17,21% tổng dư nợ và cho vay nền kinh tế.

Nếu đánh giá một cách toàn diện và thực chất qua công tác thanh tra thì con số nợ xấu ở thời điểm đó có thể cao hơn.

“Tính đến 31/12/2016 như đã báo cáo Quốc hội, nợ xấu nội bảng của các TCTD hiện nay là trên 150.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu mà công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được là trên 195.000 tỷ, hiện chiếm 3,29% tổng dư nợ. Nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được hiện nay là trên 345.000 tỷ, chiếm 5,8% tổng dư nợ”, Thống đốc Hưng nói.

Thống đốc cũng chia sẻ, từ năm 2011 đến năm 2016, theo thống kê của Bộ Công an, các cơ quan điều tra của Bộ Công an, không bao gồm công an các địa phương, đã phát hiện và khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng và đã khởi tố bị can khoảng gần 200 cán bộ ngân hàng.

Cụ thể, chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố điều tra, truy tố và xét xử khoảng 128 cán bộ ngân hàng trong đó có nhiều đối tượng là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị và Phó Tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh của các tổ chức tín dụng và có nhiều mức án đã được kết án rất nghiêm khắc kể cả án tử hình, chung thân và trên 20 năm tù.

“Ngay tại Agribank từ năm 2013 đến nay đã xử lý trách nhiệm 352 cán bộ. Đồng thời, trong giai đoạn tái cơ cấu vừa qua đã điều tra xử lý 65 vụ án tại Agribank xử lý hình sự 122 cán bộ, trong đó có nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và các lãnh đạo của Agribank”, Thống đốc nói.

Các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố điều tra, truy tố và xét xử khoảng 128 cán bộ ngân hàng trong đó có nhiều đối tượng là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc..

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, người đứng đầu NHNN cho biết sẽ bổ sung trong dự thảo nghị quyết là không sử dụng ngân sách nhà nước, bổ sung nguyên tắc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và làm trái quy định pháp luật gây ra nợ xấu và tổn thất cho hoạt động của ngân hàng. Việc giới hạn phạm vi nợ xấu được xử lý theo quy định tại nghị quyết chỉ gồm nợ xấu hiện tại sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu mà xử lý triệt để và toàn diện nợ xấu.

Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm khoảng 5,8%. Nếu tính toàn bộ các khoản nợ về bản chất là nợ xấu thì khoảng 10,08%. Trong khi nợ xấu luôn tiềm ẩn và phát sinh hằng ngày với hoạt động của các TCTD. Chính vì vậy, về bản chất, hoạt động của các TCTD rất dễ rủi ro và xảy ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

“Tính trung bình thì chúng tôi đánh giá trong những năm qua thì nợ xấu phát sinh hằng năm là từ 1,3% - 1,5% phát sinh thêm”, Thống đốc cho biết.

Một vấn đề đáng chú ý đối với nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tiếp tục gia tăng, Thống đốc cho biết là các khó khăn, vướng mắc trong các quy định hiện hành. Nếu nghị quyết mà có cơ chế về mặt pháp lý để tháo gỡ những khó khăn hiện tại thì mới đủ cơ sở cũng như phạm vi về thời gian để có thể xử lý một cách triệt để các khoản nợ xấu và các khoản nợ mà theo đánh giá về bản chất là nợ xấu khi đến hạn. Việc chỉ xử lý nợ xấu đến thời điểm phạm vi nhất định thì cũng tạo cơ chế không được đồng bộ.

Ông Hưng nói: “Vì một TCTD có khoản nợ xấu thì xử lý được theo quy định của nghị quyết nhưng cũng có khoản nợ xấu lại thực hiện theo các quy định khác của pháp luật thì rất vướng mắc cho các TCTD trong việc tổ chức thực hiện trên thực tế”.

Tin bài liên quan