Tình trạng sở hữu chéo chưa được xử lý triệt để
Nhiều khó khăn, vướng mắc đang làm chậm quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng. Hướng tháo gỡ tình trạng này đang hé mở khi tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV vừa khai mạc, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng tại.
Khi trình bày dự án Luật trên trước Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, sau 4 năm thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” và sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng”, đến nay, về cơ bản, các tổ chức tín dụng yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại.
Quá trình tái cơ cấu không để xảy ra đổ vỡ tổ chức tín dụng ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn; hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội và không sử dụng trực tiếp tiền của ngân sách nhà nước.
Một số tổ chức tín dụng vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng
Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do hoạt động kinh doanh của các tổ chức này gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn, nhiều tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh thua lỗ.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng đã kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Hết năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.
Vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã mua lại bắt buộc một số ngân hàng thương mại yếu kém để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, do khuôn khổ pháp lý của việc xử lý tổ chức tín dụng yếu kém chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập, nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của các tổ chức tín dụng yếu kém còn gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro, tổn thất nếu không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện việc hỗ trợ.
Tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông, chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để.
Thực tiễn cho thấy, rất khó phát hiện và kiểm soát đối với trường hợp cố tình sở hữu hộ hoặc sở hữu che giấu qua nhiều chủ thể. Các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo mặc dù đã dần được xử lý, nhưng một số tổ chức tín dụng vẫn đang có sở hữu cổ phần lẫn nhau hoặc sở hữu qua lại với doanh nghiệp.
“Một số tổ chức tín dụng vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, trong đó tỷ lệ sở hữu lớn chủ yếu tại một số doanh nghiệp nhà nước chưa khắc phục xong…”, ông Hưng cho hay.
Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về cơ bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2016- 2020.
Nhiều giải pháp mạnh tay
Để tiến độ tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng diễn ra nhanh và hiệu quả hơn, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp mới tại dự thảo Luật và nhận được sự ủng hộ của cơ quan thẩm tra của Quốc hội.
Liên quan đến nội dung căn cứ xác định tổ chức tín dụng để đưa vào kiểm soát đặc biệt, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành việc bổ sung các căn cứ để đưa vào kiểm soát đặc biệt theo hướng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm chủ động, kịp thời báo cáo với Ngân hàng Nhà nước về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chế tài đối với trường hợp các tổ chức tín dụng vi phạm quy định này, không kịp thời và chủ động báo cáo với Ngân hàng Nhà nước dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Về thành lập và nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát đặc biệt, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về các hình thức kiểm soát đặc biệt và thành phần Ban kiểm soát đặc biệt, nhất là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban kiểm soát đặc biệt bảo đảm sự công khai, minh bạch ngay tại dự án Luật.
Đặc biệt, để đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ sau khi Quốc hội cho ý kiến thì khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật trên cơ sở đó sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua để có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.