Tiếp tục chương trình chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sáng 6/6, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đặt câu hỏi, ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã gửi Quốc hội nước này báo cáo đưa 9 nước, trong đó Việt Nam vào danh sách cần giám sát. Chính phủ đã dự báo trước tình huống này chưa? Khó khăn, trở ngại, thách thức của Việt Nam gặp phải sẽ là gì? Giải pháp để Chính phủ xử lý vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn, chúng ta đang hội nhập sâu và độ mở của nền kinh tế rất lớn. Vậy có nguy cơ nào tương tự sự việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách cần giám sát không? Nếu có nguy cơ đó thì giải pháp của Chính phủ là gì để không ảnh hưởng đến phát triển của đất nước? Có cần giao cho một cơ quan đặc trách để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp đảm bảo cân bằng giữa hội nhập lợi ích quốc gia và phát triển bền vững không?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng
Giải đáp mối quan tâm trên của đại biểu Quốc hội, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết, vào ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố báo cáo về các chính sách kinh tế vĩ mô thương mại, tỷ giá của các nước đối tác có quan hệ thương mại lớn với Hoa Kỳ và đưa ra danh sách 9 quốc gia cần phải theo dõi, giám sát, trong đó có Việt Nam. Theo quy định của phía Hoa Kỳ, có 3 tiêu chí để đánh giá các quốc gia có quan hệ thương mại lớn với Hoa Kỳ.
Thứ nhất, có thặng dự thương mại với phía Hoa Kỳ từ trên 20 tỷ USD.
Thứ hai, có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP.
Thứ ba, có can thiệp ngoại hối một chiều, tức là mua dòng ngoại tệ trong vòng 6 tháng liên tục của 2% GDP.
"Việt Nam thỏa mãn 2 tiêu chí của Hoa Kỳ, tức là có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ lớn hơn 20 tỷ USD và có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP. Còn về can thiệp ngoại hối một chiều, chúng ta thấp hơn ngưỡng phía Hoa Kỳ đưa ra...", ông Hưng cho hay.
Cũng theo Tư lệnh ngành Ngân hàng, báo cáo của phía Hoa Kỳ kết luận, không có quốc gia nào trong danh sách này thực hiện việc thao túng tiền tệ. Chúng ta cũng khẳng định với phía các đối tác Hoa Kỳ là điều hành chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chúng ta không dùng chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá để tạo cạnh tranh, tạo lợi thế thương mại một cách không công bằng. Báo cáo này chỉ đưa ra một số các khuyến nghị chính sách cho Chính phủ và cho các bộ, ngành, trong đó có Ngân hàng Nhà nước.
Những khuyến nghị chính sách phía Hoa Kỳ đưa ra, cũng tương tự và cũng khá tương đồng với khuyến nghị của Quỹ tiền tệ quốc tế hàng năm và đánh giá chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Những khuyến nghị chính sách của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng nằm trong lộ trình mà Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có Ngân hàng Nhà nước triển khai và hoàn thiện các chính sách, các cơ chế điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
"Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với các bộ, ngành để trao đổi và cung cấp thông tin cần thiết cho phía Hoa Kỳ, làm rõ trong định hướng điều hành của chúng ta, cũng như diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, cán cân vãng lai, cũng như thương mại và đầu tư của chúng ta với phía Hoa Kỳ...", ông Hưng nói.