Thống đốc Fed: Cần có thêm tiến triển về lạm phát trước khi hạ lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù chính sách tiền tệ "hiện đang ở trạng thái tốt", nhưng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Michelle Bowman muốn có dữ liệu phản ánh nhiều tiến triển hơn về lạm phát trước khi tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Michelle Bowman. Ảnh: AFP

Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Michelle Bowman. Ảnh: AFP

Mức lãi suất hiện nay là phù hợp

"Tôi muốn có thêm sự tự tin rằng tiến triển trong việc hạ thấp lạm phát sẽ tiếp tục khi chúng tôi cân nhắc thực hiện thêm các điều chỉnh đối với phạm vi mục tiêu", bà Bowman nêu trong bài phát biểu ngày 17/2 tại Hiệp hội Ngân hàng Mỹ.

Quá trình "hạ nhiệt" lạm phát lõi của Mỹ đã chậm lại kể từ mùa xuân năm ngoái. Mặc dù kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm nay, nhưng Thống đốc Fed cho rằng quá trình giảm phát "có thể tiêu tốn nhiều thời gian hơn chúng ta mong đợi".

"Tôi tiếp tục thấy rủi ro lớn hơn đối với sự ổn định giá cả, đặc biệt là khi thị trường lao động vẫn mạnh mẽ", bà Bowman cho biết.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) gần đây nhất cho thấy lạm phát Mỹ có xu hướng tăng cao hơn dự kiến vào tháng 1, tăng 0,5% so với tháng trước và cao hơn ước tính của Dow Jones là tăng 0,3%. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số CPI tháng 1 đã tăng lên mức 3%, cao hơn dự báo đồng thuận là 2,9%.

Fed quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản trong ngưỡng 4,25 - 4,5% tại cuộc họp chính sách vào tháng 1 vừa qua, sau khi cắt giảm 1 điểm phần trăm vào nửa cuối năm 2024.

Theo Thống đốc Bowman, mức lãi suất hiện hành là phù hợp để "cho phép Ủy ban [Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan ấn định chính sách tiền tệ của Fed kiên nhẫn và chú ý hơn đến dữ liệu lạm phát khi có biến động".

"Lập trường chính sách hiện tại cũng tạo điều kiện để xem xét thêm các chỉ số về hoạt động kinh tế và làm rõ hơn về các chính sách của chính quyền (Tổng thống Donald Trump - BTV) và tác động của chúng đối với nền kinh tế", Thống đốc Fed nói thêm.

Thuế quan của Tổng thống Trump đối với các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ đã làm dấy lên mối lo ngại về lạm phát Mỹ tăng cao trở lại. Do đó, triển vọng cắt giảm lãi suất thêm vào năm 2025 đã suy yếu do cuộc chiến thương mại 2.0 mà ông Trump kích hoạt ngay khi trở lại nắm quyền Nhà Trắng ở nhiệm kỳ thứ hai. Theo dữ liệu của CME Group, hiện tại các nhà giao dịch kỳ vọng Fed chỉ thực hiện một đợt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong năm nay.

Chính sách không thể "tê liệt" chờ bất ổn qua đi

Trái lại, ông Christopher Waller, một thành viên khác của Hội đồng thống đốc Fed, cho rằng thuế quan chỉ gây ra sự gia tăng tạm thời về giá cả. Thống đốc Waller cũng hạ thấp triển vọng về cuộc chiến thương mại sẽ gây ra lạm phát, đồng thời nhấn mạnh đến sự khác biệt trong quan điểm lãi suất của các quan chức Fed khi đánh giá tác động của thuế quan toàn diện.

Từ Australia, Thống đốc Waller cho biết vào sáng ngày 18/2 rằng thuế quan của Tổng thống Trump sẽ "chỉ làm tăng giá một cách khiêm tốn và không liên tục" - một tín hiệu mà ông tin rằng các chính sách thương mại của chính quyền mới không ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của Fed. "Tôi ủng hộ việc xem xét kỹ lưỡng những tác động này", ông Waller cho biết.

Tăng trưởng mạnh mẽ và áp lực giá cả gia tăng đã khiến Fed phải chờ đợi và xem xét tác động từ các chính sách thương mại của Tổng thống Trump.

Theo quan điểm của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang, lãi suất ngắn hạn của Mỹ cần phải được giữ nguyên trong thời điểm hiện tại. Nhưng một số thành viên của Ủy ban, chẳng hạn như Chủ tịch Fed tại chi nhánh Chicago Austan Goolsbee và người đứng đầu Fed tại chi nhánh Cleveland Beth Hammack, lo rằng các chính sách thương mại của Tổng thống Trump sẽ có tác động lâu dài hơn đến giá cả của Mỹ.

Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định Ủy ban Thị trường Mở Liên bang vẫn chưa có cơ sở để đưa ra nhận định hợp lý về hướng chính sách thương mại sẽ thúc đẩy giá cả. Cho đến nay, mức thuế quan duy nhất được áp dụng là mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Tổng thống Trump cũng đã đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ hai đối tác thương mại lớn nhất là Mexico và Canada và quyết định này dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 3.

Ngoài ra, chính quyền Mỹ đã đề xuất đánh thuế 25% đối với nhôm và thép nhập khẩu vào nước này, nhưng cũng đối diện với mối đe dọa thuế quan trả đũa từ các quốc gia mà chính quyền Mỹ tin rằng đang tác động đến các công ty Mỹ thông qua các rào cản thương mại lớn hoặc thuế suất cao hơn.

Thống đốc Waller đánh giá mặc dù dữ liệu "không ủng hộ việc giảm lãi suất chính sách tại thời điểm này", nhưng lạm phát có thể giảm trở lại trong các quý tới vì các công ty có xu hướng tăng giá vào đầu năm.

"[Tôi] sẽ theo dõi dữ liệu trong vài tháng tới để đánh giá xem chúng ta có đang có dữ liệu lạm phát quý đầu tiên cao lặp lại hay không, có thể tiếp theo là các chỉ số thấp hơn vào cuối năm", ông Waller nói thêm.

"Nếu năm 2025 diễn ra giống như năm 2024, việc cắt giảm lãi suất sẽ là phù hợp vào một thời điểm nào đó trong năm nay", Thống đốc Fed lưu ý.

Ông Waller cũng cho rằng chính sách tiền tệ của Mỹ không thể bị trì hoãn vô thời hạn, bất chấp sự không chắc chắn về các chính sách kinh tế mà Nhà Trắng sẽ công bố.

"Nếu dữ liệu đầu vào ủng hộ việc cắt giảm lãi suất thêm nữa hoặc tiếp tục tạm dừng, thì chúng tôi nên làm như vậy bất kể chúng ta có bao nhiêu sự rõ ràng về các chính sách mà chính quyền áp dụng", ông Waller khẳng định. "Chờ đợi sự bất ổn kinh tế tan biến là một công thức cho sự tê liệt chính sách", Thống đốc Fed nhấn mạnh.

Tin bài liên quan