Trao quyền điều hành Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho học giả Kazuo Ueda, thống đốc Kuroda đã chỉ ra sự tiến bộ trong chính sách nới lỏng tiền tệ, trong đó nổi bật là nỗ lực thay đổi nhận thức của công chúng về chính sách tiền tệ và phép ẩn dụ Peter Pan.
“15 năm giảm phát của Nhật Bản đã tạo ra nhận thức mạnh mẽ trong công chúng rằng giá cả và tiền lương sẽ không tăng”, ông Kuroda phát biểu tại một cuộc họp báo đánh dấu sự kết thúc vào thứ Bảy (8/4) của nhiệm kỳ 5 năm thứ hai của ông.
"Nhưng nhận thức hay chuẩn mực như vậy đang bắt đầu thay đổi. Do đó, tôi nghĩ rằng thời điểm đạt được mục tiêu lạm phát ổn định và bền vững của BOJ đã gần kề”, ông cho biết.
Liệu pháp sốc là một trong những tính năng chính trong thử nghiệm tiền tệ của thống đốc Kuroda, theo đó BOJ đã triển khai chương trình mua tài sản khổng lồ vào năm 2013, một phần để thuyết phục công chúng rằng giá cả cuối cùng sẽ bắt đầu tăng sau nhiều thập kỷ giảm phát.
Ông Kuroda không phải là thống đốc đầu tiên của BOJ cố gắng tác động đến nhận thức của công chúng bằng việc nới lỏng tiền tệ.
Toshihiko Fukui, thống đốc BOJ nhiệm kỳ từ năm 2003 - 2008 đã thường xuyên thực hiện nới lỏng định lượng để "thể hiện quyết tâm của BOJ trong việc đánh bại giảm phát" và "gây ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến kỳ vọng của công chúng".
Nhưng ông Kuroda đã tiến thêm một bước bằng cách ràng buộc chính sách với mục tiêu lạm phát 2% và đặt ra khung thời gian hai năm để đạt được mục tiêu. Mục tiêu này đã khó đạt được cho đến khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra làm tăng giá hàng hóa toàn cầu và đẩy lạm phát lên trên 2%.
Giao tiếp đơn giản cũng là một đặc điểm chính trong chính sách của thống đốc Kuroda. Vào năm 2015, ông đã ám chỉ đến câu chuyện cổ tích Peter Pan khi giải thích rằng, để kích thích lạm phát, BOJ cần khiến công chúng tin vào phép màu tiền tệ của mình bằng các biện pháp kích thích lớn.
“Tôi tin rằng nhiều người trong số các bạn đã quen thuộc với câu chuyện về Peter Pan, trong đó có câu: Khoảnh khắc bạn nghi ngờ liệu mình có thể bay hay không, bạn sẽ vĩnh viễn không thể bay được nữa. Vâng, những gì chúng ta cần là một thái độ tích cực và niềm tin”.
Trong một bài phát biểu khác vào năm đó, thống đốc Kuroda đã mô tả rằng, nền kinh tế giống như một con tàu vũ trụ đang cố gắng di chuyển khỏi lực hấp dẫn của Trái đất, cần có "vận tốc cực lớn" để chấm dứt trạng thái cân bằng giảm phát của Nhật Bản.
Khi ám chỉ đến Peter Pan thất bại, BOJ đã chuyển sang cách tiếp cận phòng thủ, dài hạn vào năm 2016 thông qua việc giới thiệu chính sách kiểm soát đường cong lợi suất. Với kỳ vọng giới hạn lãi suất dài hạn quanh mức 0 và kiên nhẫn điều chỉnh lại nền kinh tế, lạm phát cuối cùng sẽ tăng lên.
Việc chuyển sang chính sách kiểm soát đường cong lợi suất cũng tìm cách ngăn chặn lợi suất dài hạn giảm quá nhiều, đồng thời giải quyết mối lo ngại ngày càng tăng rằng, lãi suất thấp kéo dài có thể làm tổn hại đến lợi nhuận của các tổ chức tài chính đủ để ngăn cản họ tăng cường cho vay.
Takahide Kiuchi, cựu thành viên hội đồng quản trị của BOJ cho biết: “Suy nghĩ của BOJ về lãi suất đã thay đổi đáng kể vào năm 2016. Họ từ bỏ quan điểm cho rằng, chi phí vay càng thấp thì càng tốt”.
Trong khi BOJ tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát và tiền lương, các ngân hàng trung ương lớn khác đã nhìn thấy uy tín của họ bị đe dọa khi họ đấu tranh để chế ngự lạm phát tăng vọt.
Nếu Nhật Bản chứng kiến lạm phát chạm mốc 2% một cách bền vững, thì thống đốc sắp tới của BOJ sẽ phải đối mặt với một thách thức truyền thông mới trong việc lèo lái một lối thoát suôn sẻ khỏi gói kích thích triệt để của thống đốc tiền nhiệm.
“Trong thời đại của ông Kuroda, BOJ đã đưa ra một loạt các biện pháp độc đáo. Trong khi đó, việc BOJ thất bại trong việc thay đổi kỳ vọng của công chúng đã đặt ra nhiều câu hỏi về hiệu quả của chính sách tiền tệ phi truyền thống", ông Takahide Kiuchi cho biết.