Khi Tổng thống Putin lên truyền hình Nga phát biểu vào ngày 21/9/2022, ông muốn gửi đi 3 thông điệp lớn và rõ ràng: Thứ nhất, mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân là có thật và nghiêm túc. Thứ hai, việc Nga động viên một phần lực lượng dự bị cùng các thay đổi nhanh chóng đối với luật về đào ngũ là dấu hiệu cho thấy Nga đang tiến dần tới lệnh tổng động viên. Thứ ba, việc Nga sáp nhập Donetsk và Lugansk là không thể thương lượng.
Về vấn đề sáp nhập, Tổng thống Putin gợi ý rằng mục tiêu của ông trong cuộc chiến trước mắt là giới hạn vào hai vùng này. Điều này cung cấp cơ hội để kiềm chế xung đột.
Có những tín hiệu phụ nhưng quan trọng hàm chứa trong diễn văn của Tổng thống Putin mà giới hoạch định chính sách ở phương Tây cần hiểu nếu họ muốn đi qua an toàn vài tuần và vài tháng tới.
Điều cốt lõi trong bài phát biểu của ông Putin là chiến lược an ninh quốc gia năm 2021 của Nga. Chiến lược này chứa đựng các kế hoạch cho tầm nhìn đến tận năm 2035. Nếu chỉ tập trung vào xung đột Ukraine hay các bài viết của ông Putin về Ukraine vào năm ngoái thì đó là một sai lầm, vì những thứ này chỉ xếp sau cái quan trọng hơn là Đại chiến lược của Nga.
Phương Tây vẫn chưa thực sự lắng nghe
Chính phủ Nga đang làm rõ những gì họ thực sự mong muốn nhưng phương Tây hơi yếu kém trong việc lắng nghe và thấu hiểu những thông điệp này. Bộ máy chính sách của Nga vận hành thông qua những tham vọng đó và kiểm nghiệm xem Nga có thể đạt được các mục tiêu với cái giá nào.
Thường thì các nhà bình luận phương Tây bác bỏ lời lẽ của Nga, coi đó chỉ là những tuyên bố khoa trương.
Nhưng đã đến lúc phương Tây cần xem trọng hơn nữa các quan điểm này của Nga, chỉ khi ấy phương Tây mới mong tạo ra được rào cản ngăn Nga đạt được các mục tiêu của mình.
Chiến lược an ninh quốc gia Nga năm 2021 xác định thay đổi công nghệ, thịnh vượng kinh tế và an ninh quốc gia là các mục tiêu liên kết chặt chẽ với nhau. Chiến lược thể hiện sự lo ngại trước hiện diện của công nghệ quân sự Mỹ gần lãnh thổ Nga và việc văn hóa Nga bị các văn hóa phẩm phương Tây pha loãng.
Nga đã nêu bật tất cả các yếu tố đầu vào chiến lược trước khi mở chiến dịch tấn công Ukraine. Bài phát biểu mới nhất của Tổng thống Putin cần được xem xét kỹ trong bối cảnh ấy.
Về mặt triết lý, hai bên đang bị kẹt trong một cái bẫy tư duy, đó là mọi thứ mình làm và nói đều trung lập về giá trị (nghĩa là có lý và nên vậy), còn những gì đối phương làm đều vô lý và thù địch.
Vi phạm niềm tin
Khác biệt trên khiến Nga và phương Tây khó đàm phán với nhau cũng như khó nỗ lực đáp ứng nhu cầu của nhau.
Xét từ góc độ thực tế, giới chức Nga coi cuộc chiến của họ ở Ukraine là cuộc chiến tồn tại, trong khi phương Tây xem đó là cuộc chiến mang tính lựa chọn. Đối với ông Putin, Ukraine là vùng đệm giữa Nga và khối quân sự NATO sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời là cửa ngõ tiếp cận Biển Đen và là quốc gia có máu mủ với Nga nhưng giờ lại quay sang phương Tây thù địch với Nga.
Thế chiến II, phía Nga gọi là Chiến tranh Vệ quốc, phủ bóng lên cách người Nga nhìn nhận xung đột Ukraine hiện nay. Việc Tổng thống Putin gọi đối phương là “phương Tây tập thể” cho thấy ông đang dịch chuyển xung đột Ukraine vào khuôn khổ một cuộc chiến tranh vệ quốc, coi đó như một cách bảo vệ Tổ quốc.
Tương tự, việc ông Putin đề cập toàn vẹn lãnh thổ cũng cần được nhìn nhận trong mối liên kết với chủ quyền và độc lập vốn là các chủ đề cốt lõi trong chiến lược an ninh quốc gia của Nga.
Kế hoạch tác chiến hạt nhân
Xem xét tình hình tại Ukraine như một cuộc xung đột liên quan đến sự sinh tồn của nước Nga, ông Putin đã nhấn mạnh quyết tâm của mình theo đuổi mục tiêu bằng việc đưa vũ khí hạt nhân lên bàn nghị sự.
Tuyên bố sau của ông Putin rất đáng chú ý, nó thể hiện sự cứng rắn và quyết tâm khó đảo ngược: “Toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc chúng ta, độc lập tự do của chúng ta sẽ được bảo đảm, tôi nhắc lại, bằng tất cả các phương tiện mà chúng ta có… Những ai cố gắng gây sức ép với chúng ta bằng vũ khí hạt nhân nên biết rằng gió dữ có thể chuyển hướng sang họ”.
Các cuộc trưng cầu dân ý đang được tiến hành khẩn trương ở Donetsk và Lugansk sẽ cho phép Nga gây sức ép với đối phương về chuyện sáp nhập các vùng này, và một khi Ukraine nỗ lực lấy lại các vùng lãnh thổ đó, họ sẽ vấp phải ngưỡng của Nga về một phản ứng bằng vũ khí hạt nhân.
Cựu cố vấn của ông Putin, Sergei Markov, giải thích trên đài BBC mới đây rằng mối đe dọa hạt nhân này áp dụng với cả những đối tượng bên ngoài Ukraine.
Bên trong Nga, người ta đang đẩy mạnh tuyên truyền coi xung đột này là cuộc chiến phòng vệ đối với Nga. Phương Tây gần như không thể làm gì được để thay đổi cách mô tả như thế này ở Nga. Nhưng phương Tây cần ý thức được mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa đó.
Nếu muốn tránh một cuộc chiến tranh hủy diệt trên lục địa châu Âu, phương Tây cần suy nghĩ nghiêm túc về cách thức giảm leo thang, đồng thời họ cũng cần chuẩn bị cho việc nhượng bộ để đạt được mục tiêu đó.