Ảnh Internet
Đó là những thông điệp tri ân mà nhiều DN niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM chia sẻ nhân dấu mốc 15 năm mở cửa hoạt động TTCK.
Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát (HPG) nói: “Niêm yết cổ phiếu tại HOSE là một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển của Tập đoàn nhằm mục tiêu phát triển bền vững, minh bạch hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyên nghiệp hóa theo mô hình quản trị tập trung, hiện đại, đồng thời tạo thêm kênh huy động vốn dài hạn”.
Sau khi niêm yết, HPG đã thực hiện 2 đợt phát hành riêng lẻ với thặng dư vốn cổ phần hơn 1.700 tỷ đồng để triển khai dự án Khu liên hiệp Gang thép giai đoạn 1, đưa Hòa Phát lên vị thế hàng đầu trong ngành thép vào năm 2014, khi thị phần dẫn đầu cả nước.
Những năm sau đó, giai đoạn Việt Nam thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ và lãi suất tín dụng quá cao kéo dài, nhưng Khu liên hợp của HPG hoạt động hiệu quả, đã mang lại dòng tiền, lượng vốn dồi dào giúp cho cả Tập đoàn luôn vững vàng. Hiện HPG đã đầu tư sang giai đoạn 3 của Khu liên hiệp và Tập đoàn cũng đã tích lũy lợi nhuận lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng chọn TTCK làm điểm tựa quan trọng khi vào năm 2010 đã phát hành huy động hơn 500 tỷ đồng đầu tư Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ.
“Nếu không có 500 tỷ đồng đó, chưa chắc chúng tôi đã đầu tư Nhà máy Phú Mỹ. Lợi ích trên TTCK là sự thật và việc đầu tư xây dựng Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ có thể coi là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Tập đoàn Hoa Sen”, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen khẳng định. Đến nay, Hoa Sen đã trở thành DN tôn thép hàng đầu Đông Nam Á và được bình chọn là DN tăng trưởng toàn cầu.
Trong tháng 7 này, CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) sẽ công bố cổ đông chiến lược là một đối tác hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản nước ngoài.
Tính đến nay, NLG đã huy động được 600 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu chưa kể 350 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu không chuyển đổi.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch, người sáng lập NLG khẳng định: “Niêm yết là cuộc chơi lớn của DN, vì nếu không niêm yết, không huy động được vốn thì DN chỉ có thể phát triển bằng vốn tự tích lũy, sẽ rất chậm, hoặc bằng vốn vay rất rủi ro”.
Với số vốn huy động từ TTCK, NLG đã đầu tư và đưa ra thị trường 5.000 sản phẩm nhà vừa túi tiền và tiếp tục chào bán khoảng 2.000 sản phẩm/năm từ 2015 cho đến 2017. Nếu không có nguồn vốn huy động từ TTCK, NLG không thể có sự “bùng nổ” như thế!
Trường hợp của CTCP Đầu tư xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) là một điển hình DN không chỉ có thành công mà có cả bài học kinh nghiệm trong việc sử dụng vốn. Năm 2007, HBC đã phát hành cổ phiếu thu về 448 tỷ đồng, tạo ra bước nhảy vọt về mặt kinh doanh. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên HBC đầu tư vào bất động sản, không phát huy được giá trị đồng vốn.
HBC đã kiên quyết thoái vốn để trở lại lĩnh vực kinh doanh cốt lõi xây dựng. Nhờ thế, năm 2013, HBC đã phát hành thành công 10 triệu cổ phiếu cho Lucern Enterprise, thu về 202 tỷ đồng, là nguồn tài chính để tăng trưởng hoạt động kinh doanh trong bối cảnh thị trường bất động sản và xây dựng cực kỳ khó khăn.
Nhà đầu tư luôn theo dõi HBC rất chặt chẽ, sát sao. Có nhà đầu tư thành công và cũng có NĐT không thành công, nhưng họ vẫn theo dõi HBC và tìm cơ hội đưa vốn vào Công ty. Mới đây nhất, năm vừa qua HBC đã thực hiện tái cấu trúc công ty thành viên, mời các nhà đầu tư bên ngoài tham gia quản lý vốn ở công ty con, cải thiện hiệu quả của các công ty này.
HBC không phải trường hợp duy nhất là công ty với nhiều thăng trầm trên TTCK nhưng điều đó còn cho thấy một công ty niêm yết có cơ hội sửa sai nhanh hơn nhiều so với các DN chưa niêm yết. Việc công khai minh bạch không chỉ giúp DN huy động vốn mà quan trọng hơn giúp DN tìm kiếm được những người đồng hành, những nhà tư vấn tốt để cùng phát triển hoặc xoay chuyển tình thế trong khó khăn.