Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đi dần đến kết quả, thì Tổng thống Trump đã có hành động gợi nhắc giới đầu tư rằng, chớ nên thở phào quá sớm.
Theo đó, ông Trump đe dọa sẽ đánh thuế lên lượng hàng hóa trị giá 11 tỷ USD nhập khẩu từ Liên minh Châu Âu (EU), với các sản phẩm đa dạng từ máy bay cho tới phô mai. Ðiều này cho thấy, ngay cả khi đạt được thỏa thuận và kết thúc cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, vẫn còn nhiều mối quan hệ thương mại khác mà Tổng thống Mỹ muốn thiết lập lại.
Rõ ràng, diễn biến này không phải cơn gió thuận chiều đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các quan chức IMF, cũng như nhiều tổ chức kinh tế khác nhận định, các cuộc tấn công của ông Trump vào hệ thống giao dịch toàn cầu đã trở thành trở ngại lớn nhất đối với tâm lý nhà đầu tư và hoạt động đầu tư trên thế giới.
Thực tế, mối quan hệ giữa Mỹ và EU đã ở lằn ranh của cuộc chiến kể từ tháng 7/2018, khi Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và ông Trump đồng ý tiến hành các cuộc trò chuyện với mục tiêu giảm các loại thuế công nghiệp mà 2 bên đang áp dụng lên sản phẩm, dịch vụ nhập khẩu của nhau. Ðiều này khiến xung đột thương mại giữa EU và Mỹ tạm trì hoãn, nhưng đến nay lại bùng phát.
Trong tuần trước, ông Trump cập nhật dòng trạng thái trên Twitter với nội dung: “EU đã được hưởng lợi từ mối quan hệ thương mại với Mỹ trong nhiều năm qua. Ðiều này sẽ sớm dừng lại”.
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh, quá trình chuẩn bị thỏa thuận tại châu Âu đang diễn ra khá chậm chạp. Kể từ giữa năm ngoái tới nay, EU mới nhận được sự chấp thuận của 28 quốc gia thành viên trao quyền cho Hội đồng Châu Âu bắt đầu các trao đổi với Mỹ trong thời gian tới. Trong khi đó, vào tháng 5/2019, ông Trump đối diện với việc phải quyết định liệu có muốn đánh thuế vào ô tô và phụ kiện ô tô mà Mỹ nhập khẩu hay không?
“Thật không may khi Mỹ, từng là một trong những quốc gia đứng đầu trong việc thiết lập các mối liên kết trên toàn cầu, hiện đã chuyển sang một hướng đi trái ngược. Chúng tôi nhận thấy xu hướng muốn tách li ra khỏi nhiều mối quan hệ của Mỹ”, Cecilia Malmstrom, trưởng bộ phận thương mại EU cho biết.
Tất nhiên, EU không phải đối tác duy nhất đang ở lẳn ranh của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Hiện tại, giới chức Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục các cuộc đàm phán nhằm đi đến thỏa thuận cuối cùng trong tháng 5 tới. Trong khi đó, tuần tới, phái đoàn của Nhật sẽ tới Washington để tiến hành các cuộc thảo luận song phương về vấn đề thương mại giữa 2 quốc gia, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương.
Thực tế, việc Mỹ đe dọa đánh thuế lên sản phẩm ô tô của Nhật Bản là nguyên nhân chính buộc Tokyo phải quay lại bàn đàm phán. Trưởng phái đoàn Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã khẳng định, bất kỳ thỏa thuận nào đạt được cũng phải mang lại lợi ích cho 2 bên, thể hiện rõ ràng việc Nhật Bản sẽ không dễ dàng nhượng bộ.
Thêm vào đó, Canada và Mexico đều đang thúc giục Mỹ gỡ bỏ các loại thuế quan mới áp dụng lên mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ 2 quốc gia này, trong bối cảnh giới chức 3 quốc gia đang tiến hành các thủ tục để chấp thuận thỏa thuận thương mại mới do Mỹ đề xướng mang tên Nafta.
“Chúng ta vẫn đang ở trong một thế giới với các cuộc đàm phán thuế quan hệt như năm ngoái”, Wendy Cutler, cựu chuyên gia đàm phán thương mại của Mỹ, hiện hoạt động tại Asia Society nhận định.