Theo một cuộc điều tra của tờ Washington Post/ABC News, tổng thống Obama hiện đang nhận được 50% sự ủng hộ từ phía người dân, tăng 9% so với hồi tháng 12. Lý do chính bởi vì nền kinh tế Mỹ đang tiếp tục tăng trưởng vững chắc. Năm ngoái, tình trạng thất nghiệp ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999. Trong năm 2014, đã có hơn 2,95 triệu việc làm mới được tạo ra khiến tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 6%.
Nhà lãnh đạo của nước Mỹ sẽ công bố một loạt đường hướng đối nội và đối ngoại của chính quyền trong năm 2015, trong đó có cả những vấn đề bị các nghị sĩ Cộng hòa nhiều lần đe dọa ngăn chặn tại cơ quan lập pháp.
Tăng thuế đối với người giàu.
Một nghiên cứu của Oxfam vừa được công bố hôm thứ Hai (19/1) chỉ ra rằng cho tới năm 2016, 1% số người giàu nhất trên thế giới sẽ chiếm tới 50% khối tài sản.
Giám đốc điều hành của Oxfam Winnie Byanyima phát biểu: “Cán cân bình đẳng trên thế giới ngày càng bị xô lệch và đây là vấn đề cần được chú ý trong các chương trình nghị sự. Khoảng cách giữa những người giàu nhất và số người nghèo ngày càng nới rộng ra một cách nhanh chóng”.
Đây chính là vấn đề mà Đảng cộng hòa đã thảo luận rất nhiều, mà gần đây nhất là chiến dịch đáng chú ý của Mitt Romney và Jeb Bush về khoảng cách giàu nghèo trong năm 2016. Tuần trước, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama sẽ đề nghị tăng thuế đối với thiểu số những người giàu để giúp tầng lớp trung lưu, theo đó tầng lớp giàu có nhất tại Mỹ, đặc biệt là giới tài phiệt Wall Street, sẽ phải đóng thuế nhiều hơn khi bán các khoản đầu tư hoặc tài sản.
Chính sách nhập cư
Trong khi Đảng Cộng hòa vẫn đang tiếp tục tìm cách gỡ bỏ sắc lệnh về cải cách hệ thống nhập cư có ảnh hưởng tới hơn 4 triệu công nhân nhập cư bất hợp pháp mà ông Obama đã ban hành năm ngoái thì có vẻ như công chúng lại đang đứng về phía tổng thống của họ.
Một cuộc điều tra của NBC News và tờ The Wall Street Journal tiến hành vào tháng 12 cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Obama đã tăng hơn 10% trong cộng đồng người La-tinh sau khi sắc lệnh được ban hành.
Hôm 14/1, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấp ngân sách cho Bộ An ninh Nội địa đến tháng 9/2015 nhưng không bao gồm kinh phí dùng để thực thi sắc lệnh cải cách nhập cư nêu trên. Thượng viện Mỹ dự kiến tập trung xem xét dự luật này vào tháng 2 tới. Tuy nhiên, ngay cả khi được lưỡng viện thông qua, dự luật này cũng khó có cửa được ông Obama ký ban hành thành luật, theo trang Politico.
Biến đổi khí hậu.
Theo thống kê từ Trung tâm dữ liệu khí hậu quốc gia NOAA, năm 2014 được ghi nhận là năm nóng nhât trong lịch sử. Bên cạnh việc băng ở 2 đầu cực tan chảy, còn có nhiều bằng chứng hiển nhiên khác cho thấy dấu hiệu của sự nóng lên trên toàn cầu.
Hiện tại, chỉ 29% thành viên thuộc Đảng Cộng hòa tin rằng trái đất nóng lên là một vấn đề thực sự, tuy nhiên, sau khi Mỹ ký kết thảo thuận với Trung Quốc về giới hạn mức khí nahf kính được thải ra môi trường thì Tổng thống Obama sẽ cần quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề này.
Đường lối đối ngoại
Chính sách đối ngoại cũng hứa hẹn là điểm nóng khi tổng thống Obama có thể thúc giục quốc hội dỡ bỏ cấm vận Cuba sau khi 2 nước quyết định bình thường hóa quan hệ cũng như không áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran.
Một lần nữa, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ bỏ ngoài tai những lời kêu gọi này. Bằng chứng là vào ngày 22/1, Ủy ban Ngân hàng Thượng viện sẽ bỏ phiếu về dự luật cho phép tiếp tục trừng phạt Tehran nếu không có thỏa thuận nào đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Đức) trong vấn đề hạt nhân trước ngày 6-7, bất chấp lời đe dọa phủ quyết ngay từ đầu của ông Obama.