Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau ba năm duy trì lãi suất thấp trong bối cảnh lo ngại về lạm phát ngày càng gia tăng, bất chấp sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.
Ủy ban Chính sách tiền tệ Anh đã bỏ phiếu với tỷ lệ đa số 8-1 để tăng lãi suất từ mức thấp lịch sử 0,1% lên 0,25%. Cơ quan này đánh giá rằng, áp lực đối với các hộ gia đình do chi phí sinh hoạt tăng cao lớn hơn rủi ro đối với nền kinh tế chịu tác động từ biến thể mới.
Lãi suất tăng sẽ gây thêm áp lực tài chính đối với các hộ gia đình có các khoản vay thế chấp do các công ty có chi phí đi vay cao hơn. Bên cạnh đó, với lạm phát ở mức cao nhất trong một thập kỷ, chi phí năng lượng tăng cao khiến tỷ lệ lạm phát tăng từ 5,1% hiện tại lên 6% vào mùa xuân tới, gấp ba lần mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến.
Samuel Tombs, nhà kinh tế trưởng của Vương quốc Anh tại công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics cho biết: “Quyết định tăng lãi suất, trước khi đo lường được toàn bộ mức độ thiệt hại kinh tế do biến thể Omicron đang gia tăng, nhấn mạnh mức độ lo lắng của Ngân hàng Trung ương Anh về lạm phát”.
Các thị trường tài chính đã phấn khởi và giao dịch trong sắc xanh khi các ngân hàng trung ương có phản ứng sớm với vấn đề lạm phát.
Đồng bảng Anh ngay lập tức tăng mạnh trên thị trường tiền tệ toàn cầu, giao dịch trên 1,33 USD sau khi Ngân hàng Trung ương Anh trở thành ngân hàng đầu tiên trong số các ngân hàng lớn trên toàn cầu tăng lãi suất. Các thị trường tài chính đã phấn khởi và giao dịch trong sắc xanh khi các ngân hàng trung ương có phản ứng sớm với vấn đề lạm phát.
Các dữ liệu cho thấy, các tổ chức tài chính sẽ tập trung giải quyết áp lực lạm phát trên toàn thế giới. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết, họ sẽ giảm quy mô gói hỗ trợ trị giá hàng nghìn tỷ euro. Trước đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ công bố lộ trình “hạ cánh mềm” tăng lãi suất ba lần vào năm 2022. Chủ tịch Fed,
Jerome Powell, trong một cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 14-15/12/2121 đã so sánh tình trạng gần như suy thoái của nền kinh tế Mỹ khi đại dịch Covid-19 mới bắt đầu vào năm 2020 với môi trường giá cả và tiền lương ngày càng tăng hiện nay. Đặc biệt, điều này diễn ra trong bối cảnh thị trường việc làm được cải thiện đáng kể và nền kinh tế từ chỗ hồi phục nhanh chóng đến chỗ tăng trưởng tương đối bền vững.
Ông Powell cho biết tốc độ lạm phát đã lên mức cao một cách "khó chịu", và "theo quan điểm của tôi, chúng tôi đang đạt được tiến bộ nhanh chóng để có số việc làm nhiều tối đa ". Đây là môi trường đủ để thuyết phục tất cả các quan chức Fed, ngay cả những người ôn hòa nhất, rằng đã đến lúc thoát hoàn toàn khỏi những chính sách đã áp dụng trong suốt hai năm qua khi phải chật vật vượt qua đại dịch.
Theo kế hoạch dự kiến, Fed sẽ tăng lãi suất 3 lần vào năm 2022, đưa phạm vi lãi suất cơ bản lên 0,75-1%/năm, từ mức 0 - 0,25%/năm hiện nay. Cơ quan này sẽ giảm lượng mua trái phiếu kho bạc hàng tháng và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp với tốc độ nhanh hơn so với mức đưa ra vào tháng 11/2021.
Fed đã mua ít nhất 80 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 40 tỷ USD chứng khoán thế chấp kể từ tháng 3/2020 nhằm giữ cho chi phí đi vay ở mức thấp và thị trường tín dụng lưu thông.
Theo lịch trình mới được đưa ra, mỗi tháng Fed sẽ giảm mua trái phiếu kho bạc 20 tỷ USD và trái phiếu thế chấp 10 tỷ USD. Fed sẽ mua ít nhất 40 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 20 tỷ USD trái phiếu thế chấp mỗi tháng, nhưng có thể sẽ điều chỉnh tốc độ sâu hơn trong năm.
Việc Fed tăng tốc độ điều chỉnh chính sách có lý do chủ yếu là lạm phát cao hơn nhiều so với mức ngân hàng dự kiến hồi đầu năm.
Fed đặt mục tiêu giữ tỷ lệ lạm phát cơ bản hàng năm ở mức trung bình 2% mỗi năm, nhưng trên thực tế, lạm phát - được đo bằng chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Bộ Thương mại, đã tăng 0,4% trong tháng 10/2021 và 4,1% hàng năm. Chỉ số PCE nói chung đã tăng 0,6% trong tháng 10/2021 và 5% hàng năm.
Lạm phát và lãi suất tăng đã trở thành mối quan tâm lớn ở Phố Wall trong những tháng gần đây. Dữ liệu mới nhất cho thấy giá sản xuất ở Mỹ tăng mạnh mẽ nhiều hơn dự kiến trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010. Dữ liệu giá tiêu dùng tuần trước cũng cho thấy mức tăng lớn nhất trong 40 năm qua.
Trong các dự báo kinh tế mới của mình, Fed cho rằng, lạm phát sẽ ở mức 2,6% trong năm tới, cao hơn nhiều so với mức 2,2% được dự báo vào tháng 9. Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý rằng nền kinh tế Mỹ đang được cải thiện nhanh chóng, nhưng cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 sẽ chưa kết thúc trong ngắn hạn.