Ngăn chặn tận gốc tình trạng nhập khẩu phế thải

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 nhận định, không chỉ kinh tế, văn hóa, ngoại giao…, mà lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý hoạt động nhập khẩu phế liệu năm 2019 đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Theo ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Việt Nam phát triển kinh tế bền vững nên sẽ ngăn chặn tận gốc tình trạng nhập khẩu phế thải.
Ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

Ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

Việt Nam là quốc gia nhập khẩu phế liệu nhựa hàng đầu thế giới. Xin ông thông tin thêm về vấn đề này?

Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về nhập khẩu phế liệu nhựa, chỉ sau Trung Quốc và Malaysia. Năm 2018, Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu nhựa, thì Việt Nam đã “lên” vị trí thứ hai. Năm 2019, Malaysia cũng gần như cắt giảm hầu hết danh mục phế liệu nhựa được phép nhập khẩu, nên có thể dự đoán xu hướng phế liệu nhựa sẽ chuyển mạnh về Việt Nam.

Từ năm 2018 trở về trước, hoạt động nhập khẩu phế liệu có nhiều diễn biến phức tạp, một số doanh nghiệp lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách, đưa hàng ngàn tấn phế liệu nhựa không đủ điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật bảo vệ môi trường từ khắp nơi trên thế giới về Việt Nam qua các cảng biển, là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vô cùng lớn.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, nhưng lại bán phế liệu nhập khẩu cho doanh nghiệp nhỏ lẻ khác (không đủ điều kiện về bảo vệ môi trường) đưa vào các làng nghề, cụm công nghiệp tái chế, làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, bảo vệ môi trường luôn luôn là đề tài được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại các kỳ họp Quốc hội.

Không chỉ Trung Quốc, Malaysia - từng là  2 “cường quốc” nhập khẩu phế thải nhựa, mà các nước Indonesia, Campuchia, Philippines cũng xử lý rất mạnh tay với hoạt động nhập khẩu phế thải nói chung, phế thải nhựa nói riêng, còn Việt Nam thì sao, thưa ông?

Trước tình hình nhập khẩu phế liệu diễn biến phức tạp, năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có cảng biển thực hiện kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 27/2018/CT-TTg về giải pháp cấp bách tăng cường việc quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Theo đó, đã chấm dứt việc cấp phép cho cơ sở nhập khẩu phế liệu về chỉ sơ chế và bán lại nguyên liệu; không cấp mới giấy xác nhận, không gia hạn giấy xác nhận đối với doanh nghiệp nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu; công bố danh sách tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận, giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu; kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải, rác thải vào Việt Nam; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi đưa chất thải, rác thải, phế liệu gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.

Cơ quan hải quan ngăn chặn rác thải, phế liệu không đủ điều kiện bảo vệ môi trường từ xa bằng cách nào?

Cơ quan hải quan đã và đang áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát phế liệu nhập khẩu, trong đó thực hiện ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng quy định.

Cụ thể, chúng tôi yêu cầu các hãng tàu/đại lý hãng tàu khi khai thông tin e-Manifest (hệ thống tiếp nhận bản khai hàng hóa, chứng từ có liên quan và thông quan điện tử đối với tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh) trước khi tàu cập cảng phải khai đầy đủ thông tin cụ thể về chủ hàng tại Việt Nam (tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ, số của giấy chứng nhận, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất...), mô tả hàng hóa phải thể hiện đầy đủ để xác định được loại phế liệu thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Kiên quyết không dỡ hàng phế liệu từ tàu xuống cảng nếu chủ hàng không có trong Danh sách tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu.

Nói một cách dễ hiểu, cơ quan hải quan áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng vẫn còn trên tàu, cương quyết không cho phép dỡ hàng hóa là chất thải, phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu xuống cảng. Chấm dứt tình trạng cứ hàng về cảng là hạ bãi, bất kể của doanh nghiệp nào, chất lượng ra sao, gây ra tình trạng quá tải tại các cảng biển.

Đó là với phế liệu chưa nhập khẩu, còn đối với hơn 10.000 container phế liệu đang lưu giữ tại các cảng biển, chủ hàng “bỏ của chạy lấy người” thì xử lý thế nào, thưa ông?

Đối với hàng hóa tồn đọng là chất thải, phế liệu không đạt quy chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường và hàng hóa tồn đọng là chất thải phóng xạ, chúng tôi yêu cầu hãng tàu nước ngoại đã “chót” vận chuyển có trách nhiệm đem ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

Trường hợp hãng tàu không thực hiện vận chuyển lô hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan hải quan, thì Bộ Giao thông - Vận tải có biện pháp cưỡng chế, xử lý, hoặc tạm dừng việc cấp phép ra - vào tất cả các cảng biển Việt Nam, chỉ cấp phép ra - vào các cảng biển Việt Nam sau khi hãng tàu nước ngoài đã vận chuyển toàn bộ lô hàng tồn đọng đã “lỡ” đem vào theo yêu cầu của cơ quan hải quan.

Tin bài liên quan