Theo NielsenIQ, trong những năm gần đây, bia vẫn là ngành hàng chiếm tỷ trọng đóng góp lớn nhất, hơn 21% về mặt doanh thu trên tổng hơn 8 nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam, bao gồm: bia, đồ uống không cồn, thuốc lá, sản phẩm sữa, thực phẩm thiết yếu, đồ ăn vặt, chăm sóc nhà cửa và chăm sóc cá nhân.
Năm 2022, ngành hàng bia hồi phục mạnh mẽ, tăng trưởng 2 chữ số, sau giai đoạn Covid, với việc mở cửa lại của các nhà hàng, quán ăn. Sang năm 2023, với những ảnh hưởng đến từ chính sách của Nhà nước, áp lực kinh tế, nhu cầu tiêu thụ của ngành hàng bia sụt giảm trong dài hạn, sự sụt giảm diễn ra đồng thời trên toàn bộ các khu vực. Trong vòng 12 tháng qua, ngành hàng bia giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt ở 6 thành phố lớn, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh.
“Dù vậy, Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng trong khu vực với cơ cấu dân số vàng, thói quen tiêu dùng và giá cả sản phẩm cạnh tranh. Dưới tác động của dịch bệnh và tình hình kinh tế, người tiêu dùng đã chuyển dịch hành vi tiêu dùng để thích ứng với hoàn cảnh mới”, NielsenIQ nhận định.
Về kênh bán, theo báo cáo nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng trong quý II/2024 của NielsenIQ, hai trong những cách phổ biến được 50% người tiêu dùng tại 2 thành phố lớn - Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh áp dụng là cắt giảm những chi tiêu không cần thiết, bao gồm ăn uống tại các nhà hàng bên ngoài và tối ưu việc nấu ăn tại nhà. Sự thay đổi này trực tiếp ảnh hưởng đến sự sụt giảm doanh thu của chuỗi nhà hàng, quán ăn liên tục từ tháng 1/2023 đến nay. Tính trong 12 tháng gần đây, mức sụt giảm này là 6% trên cả nước và 11% tại 6 thành phố lớn, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh.
Về bao bì, bao bì lon vốn đã chiếm ưu thế trong ngày bia, cộng thêm sự thay đổi thói quen tiêu dùng trên, các loại bia lon ngày càng được ưa chuộng và tiêu thụ nhiều hơn so với các loại bao bì khác, tăng 4% tỷ trọng đóng góp về doanh thu trong vòng 3 năm qua.
Về sản phẩm, theo báo cáo về người tiêu dùng năm 2024 của NielsenIQ, sức khỏe là 1 trong 3 mối quan tâm hàng đầu của người Việt Nam, tương đồng với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản. Tâm lý này ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen tiêu dùng và lựa chọn sản phẩm của hầu hết các ngành hàng, bao gồm ngành bia.
"Từ hơn 2 năm trở lại đây, chúng tôi ghi nhận, nhóm các sản phẩm bia có nồng độ cồn thấp đang được người tiêu dùng đón nhận với việc gia tăng gần 35% sản lượng trong 12 tháng gần đây so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt tại khu vực 6 thành phố lớn và kênh hiện đại Việt Nam.
Những xu hướng trên đều bắt nguồn từ mối quan tâm lớn của người tiêu dùng Việt Nam mà chúng tôi đã quan sát và ghi nhận trong vài ba năm trở lại đây. Có thể thấy, những xu hướng này có khả năng tiếp tục được duy trì và tác động đến ngành bia trong tương lai tới", bà Trang cho biết.
Đại diện NielsenIQ cho hay, xu hướng tiêu dùng của người dân đang thay đổi, lựa chọn sản phẩm bảo vệ cho sức khoẻ. |
Nghị Định 100 về tăng mức xử phạt đối với các tài xế sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông đã có tác động mạnh đến ngành bia, rượu, doanh thu của các nhà hàng, quán ăn phân phối sản phẩm bia đã bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng cũng bắt đầu giảm tần suất uống bia bên ngoài và điều này trực tiếp ảnh hưởng đến doanh thu của ngành bia tại kênh này, và cụ thể hơn là phân khúc cao cấp của ngành bia.
“Trong xu hướng cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng, ngoài cắt giảm về liều lượng, người tiêu dùng cũng có thể cắt giảm kinh phí cho sở thích uống bia, rượu. Theo đó, phân khúc bình dân sẽ ngày càng gia tăng tầm quan trọng, ngày càng được ưa chuộng hơn, và người tiêu dùng phân khúc cao cấp có thể cân nhắc về chi tiêu để phù hợp với ngân sách”, bà Trang phân tích.
Từ góc nhìn của đơn vị nghiên cứu thị trường, đại diện NielsenIQ cho rằng, các doanh nghiệp nên thấu hiểu những hạn chế từ người tiêu dùng trong giai đoạn còn nhiều khó khăn. Khi phải gia tăng chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu, có tới 55% người được khảo sát nói rằng việc trả tiền cho bất cứ thứ gì giúp họ tiết kiệm thời gian là xứng đáng.
Các nhãn hàng cũng cần đảm bảo sự hiện diện với người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh hành vi người tiêu dùng dịch chuyển linh hoạt giữa các kênh mua sắm. Đồng nghĩa, việc tăng trưởng sẽ đến từ một chiến lược cân bằng kênh trực tuyến và trực tiếp. Các doanh nghiệp cũng nên dành sự chú ý cho yếu tố sức khoẻ và bền vững, khai thác yếu tố truyền thông và nhấn mạnh thông điệp sản phẩm phù hợp để đánh vào sự quan tâm của khách hàng tới sức khoẻ và phát triển bền vững.
Đánh giá tác động của tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn đến hành vi tiêu dùng, NielsenIQ cho rằng trong 2 năm gần đây, xu hướng tiêu dùng phân cực liên quan đến phân khúc giá của sản phẩm diễn ra trong ngành Bia. Điều này nghĩa là, trong ngành hàng có sự tăng trưởng ở cả 2 phân khúc khác biệt là bình dân và siêu cao cấp.
Nếu như phân khúc bình dân đã được hình thành và phát triển mạnh do tác động kinh tế, thì siêu cao cấp lại được thúc đẩy do thế hệ người dùng sẵn sàng chi trả cao hơn cho các trải nghiệm mới. Với tác động của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, theo dữ liệu dài hạn của chúng tôi, nhóm phân khúc tiết kiệm có thể vẫn giữ được vị thế, là phân khúc chính, đóng góp khoảng 55 - 60% sản lượng của ngành hàng như hiện nay, còn phân khúc Siêu cao cấp sẽ cần quan sát thêm. Điều này, sẽ mang lại tiềm năng tăng trưởng cho các doanh nghiệp có sản phẩm ở phân khúc tương ứng.