Bất động sản khu công nghiệp là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh thị trường địa ốc khó khăn kéo dài

Bất động sản khu công nghiệp là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh thị trường địa ốc khó khăn kéo dài

“Thỏi nam châm” khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh đang giúp các doanh nghiệp khu công nghiệp giữ vững “phong độ” và được dự báo còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Kinh doanh khả quan, đẩy mạnh mở rộng quỹ đất

Trong quý I/2024, Tổng công ty IDICO - Công ty cổ phần (mã IDC) đạt doanh thu hơn 2.467 tỷ đồng, tăng 115% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 2 mảng tăng trưởng đột biến là hạ tầng khu công nghiệp đạt gần 1.308 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 6,3 lần cùng kỳ năm trước (chiếm tỷ trọng 53% trong tổng doanh thu) và đầu tư kinh doanh bất động sản đạt gần 281 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 9,3 lần. Lợi nhuận trước thuế quý đầu năm đạt 999 tỷ đồng.

Lãnh đạo IDICO cho biết, trong kỳ, doanh thu từ các hợp đồng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp đáp ứng điều kiện ghi nhận doanh thu một lần theo quy định khiến lợi nhuận Công ty tăng. Với kết quả kinh doanh quý I, IDICO thực hiện được 30% chỉ tiêu tổng doanh thu và 40% chỉ tiêu lãi trước thuế cả năm nay.

Kết quả kinh doanh của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Công ty cổ phần (Becamex IDC, mã BCM) cũng tăng trưởng dương khi ghi nhận doanh thu thuần trong quý I/2024 đạt 812 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng kinh doanh bất động sản đóng góp tới 450 tỷ đồng vào tổng doanh thu.

Sau khi trừ đi các chi phí, Becamex IDC báo lãi sau thuế 119 tỷ đồng trong kỳ, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp này đạt mức dương 876 tỷ đồng trong quý I/2024, so với mức âm 1.238 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Becamex IDC còn hơn 600 ha đất sẵn sàng cho thuê.

Bất động sản khu công nghiệp đang là “thỏi nam châm” hút mạnh dòng vốn đầu tư, đặc biệt là vốn FDI. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp gia tăng nguồn thu, mà còn củng cố tiềm lực tài chính để phát triển mạnh mẽ hơn trong chu kỳ mới.

Với Tổng công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp Sonadezi (mã SNZ), báo cáo tài chính quý I/2024 ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.292 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, mảng kinh doanh khu công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn (28%), mang về hơn 390 tỷ đồng, tăng 57%; lĩnh vực kinh doanh cung cấp nước sạch và kinh doanh dịch vụ cảng đều mang về 313 tỷ đồng, tăng lần lượt 9% và 38%. Sau khấu trừ, lãi gộp ghi nhận gần 559 tỷ đồng, tăng 40%. Biên lãi gộp cũng tăng từ 37% lên 43%.

Trong khi đó, doanh thu tài chính trong kỳ giảm mạnh 33% xuống còn 24 tỷ đồng và chi phí tài chính giảm 11% về mức 27 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong kỳ đều tăng, lần lượt là 33% và 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kết quý I/2024, Sonadezi báo lãi sau thuế 362 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận cổ đông Công ty mẹ là gần 221 tỷ đồng, tăng 55%.

Với kết quả kinh doanh tích cực, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch mở rộng quỹ đất để phát triển những dự án mới. Điều này không chỉ nằm trong chiến lược lâu dài của doanh nghiệp, mà còn trở thành xu hướng tất yếu của thị trường trong bối cảnh quỹ đất tại các địa phương có nhiều tiềm năng phát triển khu công nghiệp ngày càng khan hiếm.

Chẳng hạn, IDICO đang có kế hoạch mở rộng quỹ đất khu công nghiệp thêm 2.480 2.820 ha. So với kế hoạch công bố hồi cuối năm 2023, mục tiêu quỹ đất mới tăng thêm 537ha, số dự án khu công nghiệp mới cũng tăng từ 5 dự án lên 9 dự án. Trong 4 dự án tăng thêm, có 1 dự án ở phía Bắc và 3 dự án ở phía Nam.

Cụ thể, trong 9 dự án khu công nghiệp mới của IDICO có 3 dự án đã lộ diện gồm Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 mở rộng (110 - 500 ha), Khu công nghiệp Tân Phước 1 - Tiền Giang (470 ha) và Khu công nghiệp Vinh Quang - Hải Phòng (350 ha). Trong đó, dự án Mỹ Xuân B1 mở rộng và Tân Phước 1 đang chờ các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), Khu công nghiệp Tân Phước 1 sẽ sớm nhận được chủ trương đầu tư và bắt đầu cho thuê từ cuối năm 2024, còn Khu công nghiệp Vinh Quang đã được phê duyệt quy hoạch 1/2000 và dự kiến được phê duyệt đầu tư trong năm 2025. Còn lại 6 dự án với tổng diện tích khoảng 1.500 ha đang được lập hồ sơ quy hoạch 1/2000 và xin chủ trương đầu tư.

Mục tiêu của IDICO đến cuối năm 2026 sẽ hoàn thành 1 triệu m2 nhà xưởng và nhà kho xây sẵn cho thuê nhằm đa dạng hóa tệp khách hàng và nguồn thu. Tính đến nay, IDICO đang thực hiện 3 dự án nhà xưởng, nhà kho tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch I và Khu công nghiệp Hựu Thạnh.

Đổi mới để hút vốn ngoại

Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nhà ở, thương mại, nghỉ dưỡng... muốn lấn sân sang mảng bất động sản khu công nghiệp.

Chẳng hạn, trong chiến lược sắp tới, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) sẽ mở rộng thêm mảng bất động sản công nghiệp và bất động sản kho vận tại thị trường phía Nam.

Là một trong những tên tuổi trong ngành xây dựng, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng có động thái tiến sâu hơn vào mảng phát triển khu công nghiệp. Doanh nghiệp này mới được chấp thuận đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Đông Anh, Hà Nội, quy mô sử dụng đất hơn 299 ha, tổng vốn đầu tư hơn 6.338 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ đầu tư là gần 1.268 tỷ đồng.

Trước đó, từ năm 2023, Tập đoàn Hà Đô đã mở rộng phát triển mảng bất động sản công nghiệp thông qua việc khảo sát các khu công nghiệp tiềm năng với tổng diện tích 450 ha tại một số địa phương phía Bắc như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định và Quảng Ninh. Đầu năm 2024, Hà Đô đã được chấp thuận khảo sát và quy hoạch 2 dự án cụm công nghiệp với tổng diện tích 100 ha tại Ninh Thuận là Phước Nam 1 và Phước Nam 2, gần cụm cảng biển Cà Ná.

Thực tế, bất động sản khu công nghiệp đang là “thỏi nam châm” hút mạnh dòng vốn đầu tư, đặc biệt là vốn FDI. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp gia tăng nguồn thu, mà còn củng cố tiềm lực tài chính để phát triển mạnh mẽ hơn trong chu kỳ mới. Vì thế, cả doanh nghiệp trong lẫn ngoài ngành đều muốn khai thác mảng này cũng là điều dễ hiểu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 20/3/2024, cả nước có 644 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 4,7 tỷ USD, tăng 23,4% về số dự án và tăng 57,9% về số vốn so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ngoại. Trong đó, vốn FDI đang tập trung vào các trung tâm công nghiệp lớn, có lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài. Thống kê cho thấy, 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất chiếm 75% dự án đăng ký mới.

Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, những thị trường mới nổi như Việt Nam trở thành địa điểm tiềm năng thu hút đầu tư. Trong đó, tỷ suất sinh lợi hấp dẫn là một trong những yếu tố quyết định việc dòng vốn nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến.

“Bởi vậy, hiện là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp trong nước tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác. Bởi trong giai đoạn 2024-2026, một lượng vốn lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam, khi mà nhiều giao dịch đang trong quá trình đàm phán cuối cùng. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý bất động sản hoàn thiện hơn cũng là yếu tố giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường và liên kết hợp tác”, bà Trang Bùi nói.

Tin bài liên quan