Không chỉ là tuân thủ nghĩa vụ
IR giờ đây không còn đơn giản là việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định pháp luật về hoạt động doanh nghiệp, về kết quả kinh doanh hay giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ…, mà đã trở thành một hoạt động chuyên biệt trong công tác quan hệ công chúng (PR) của nhiều doanh nghiệp.
Hoạt động này nhấn mạnh đến yếu tố tài chính và truyền thông trong việc xây dựng chiến lược cổ đông, công bố thông tin, quảng bá hình ảnh hoạt động doanh nghiệp, qua đó xây dựng thương hiệu cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Chuyển biến tích cực trong công tác IR của các doanh nghiệp niêm yết thể hiện rõ nét nhất ở chất lượng báo cáo thường niên ngày càng được nâng tầm về hình thức và chất lượng nội dung. Đi kèm với đó là mức độ “chịu chi” của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có hoạt động IR chuyên nghiệp như Vinamilk, Dược Hậu Giang, FPT... cũng tiết lộ, tốn kém nhất trong công tác IR là chi phí lập báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông.
Với các doanh nghiệp có bộ phận IR chuyên nghiệp, hoạt động này được tổ chức khá thường xuyên và bài bản. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp “khoán" cho các công ty chứng khoán thực hiện công tác này thông qua những bản hợp đồng công bố thông tin, tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư, gặp gỡ nhà đầu tư… Và đây chính là mảng dịch vụ gia tăng cho các công ty chứng khoán khai thác.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc một công ty chứng khoán cho biết, tùy vào hoạt động của từng doanh nghiệp mà công ty sẽ đưa ra tư vấn phù hợp về công tác IR, từ việc viết các báo cáo phân tích về cổ phiếu doanh nghiệp, đến cách công bố thông tin, thậm chí là những cuộc gặp gỡ định kỳ chia sẻ thông tin cho cổ đông, nhà đầu tư.
Cũng theo vị này, làm dịch vụ IR cho doanh nghiệp có những khó khăn, nhưng cũng có những điểm thú vị. Khó khăn khi doanh nghiệp không sẵn sàng chia sẻ thông tin và thú vị khi từ sự hợp tác này đã tạo ra nhiều giá trị cho cả doanh nghiệp lẫn đơn vị tư vấn.
“Một số doanh nghiệp có nhu cầu thuê dịch vụ IR trong vòng 3-6 tháng để phục vụ mục tiêu tăng vốn, phát hành thêm. Nhưng cũng nhiều doanh nghiệp xác định IR là nhiệm vụ lâu dài để đồng hành, gắn kết cùng nhà đầu tư. Có những doanh nghiệp khi đặt vấn đề IR chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để giá cổ phiếu tăng nhanh nhất có thể”, vị này chia sẻ về “gu” IR của các doanh nghiệp.
Không chỉ chia sẻ các thông tin tích cực, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động chia sẻ những thông tin kém tích cực như điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh, hủy dự án…
Thị trường cần nhiều hơn những doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ mọi thông tin như vậy, bởi theo tâm lý, doanh nghiệp Việt Nam chỉ quan tâm tới hoạt động IR khi cần, còn lại chủ yếu là duy trì hoạt động công bố thông tin theo quy định, thậm chí giấu nhẹm thông tin xấu đối với cổ đông. Việc đảm bảo công bố thông tin đúng thời hạn là quan trọng, nhưng chất lượng nội dung công bố cũng cần thiết không kém, điều này lại ít được các doanh nghiệp chú trọng.
Doanh nghiệp đã chủ động hơn trong kết nối với nhà đầu tư
Theo thống kê từ Chương trình bình chọn doanh nghiệp có hoạt động IR tốt nhất 2018 (IR Reward), chỉ có 266 doanh nghiệp đạt chuẩn công bố thông tin trong tổng số 686 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, tương đương tỷ lệ 38,78%, chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp lớn nhất.
Theo ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, số lượng các vi phạm về minh bạch thông tin, mà cụ thể là vi phạm về báo cáo, công bố thông tin đã giảm rõ rệt trong tổng số các vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán. Trong đó, nhóm doanh nghiệp ngành như bất động sản, dầu khí... đã ghi nhận tiến triển tích cực trong hoạt động IR.
Chuyển động thực tiễn tại nhiều doanh nghiệp cho thấy, công tác IR đã được nhiều doanh nghiệp khác chú trọng. Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (ASM) cho biết, nếu như trước đây, Công ty chỉ tập trung vào sản xuất, mà không quan tâm nhiều đến công tác IR thì nay đã chú trọng hơn đến hoạt động này.
“Trước nay, chúng tôi nghĩ chỉ cần âm thầm làm việc rồi nhà đầu tư sẽ hiểu qua kết quả kinh doanh, nhưng nay chúng tôi đã quan tâm hơn đến việc gặp gỡ nhà đầu tư, trao đổi thông tin. Từ đó, nhà đầu tư cũng hiểu sâu hơn về doanh nghiệp và hình ảnh của doanh nghiệp cũng sáng hơn trong mắt nhà đầu tư”, ông Thuấn nói.
So với vài năm trước, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) cũng có chuyển động tích cực hơn trong công tác IR. Lãnh đạo HDG cho biết, thay vì “chỉ làm mà không nói”, Công ty đã có định hướng xuyên suốt hơn về cách làm IR chủ động, minh bạch để nhà đầu tư nắm được chiến lược và giá trị của công ty.
“Đến nay, về cơ bản, hoạt động cung cấp thông tin cho nhà đầu tư được Công ty thực hiện thường xuyên, bài bản hơn, từ xây dựng báo cáo thường niên, các cuộc gặp gỡ định kỳ với nhà đầu tư. Tuy vậy, Công ty vẫn cần đổi mới, cập nhật hơn, đặc biệt các phương thức cũng khác nhau giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức…”, ông Lê Tiến Đông, Trưởng ban Tài chính - Chứng khoán HDG chia sẻ.
Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Quỹ Đầu tư Dragon Capital cũng cho hay, các doanh nghiệp nói chung cần có sự phân loại nhà đầu tư để thực hiện các hoạt động IR một cách chuyên nghiệp.
“IR không thể tách rời công tác quản trị, bởi sự gắn kết này giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu lớn, tạo ra những giá trị dài hạn cho cổ đông”, ông Vinh nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp giờ đây đã hiểu rằng, việc kiện toàn hoạt động IR là việc cần thiết nhằm không chỉ tạo kênh kết nối thông tin với cổ đông, nhà đầu tư, mà còn đảm bảo khả năng phản ứng nhanh nhạy với thông tin, ứng xử kịp thời và chuyên nghiệp trong việc công bố thông tin ra công chúng. Từ đó, họ đã xây dựng chiến lược và cách thức triển khai IR nhằm mang lại hiệu quả về nhiều mặt. Lợi ích lớn nhất mà họ nhận được là sự tín nhiệm từ cổ đông. Có những doanh nghiệp làm IR tốt trở thành thước đo, sự cam kết để có thể thuận lợi làm việc với các đối tác chiến lược.
Nhìn trên sàn niêm yết, dễ nhận ra những doanh nghiệp có hoạt động IR tốt là những doanh nghiệp công bố thông tin thường xuyên, không chỉ theo quý mà cập nhật theo từng tháng. Một số doanh nghiệp được đánh giá cao trong công tác IR như Tập đoàn FPT (FPT), Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG); Công ty cổ phần Thủy sản Nam Việt (ANV)… Thông tin, hình ảnh của các doanh nghiệp này cũng liên tục được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bán lẻ có thế mạnh hơn trong công tác IR khi chất lượng thông tin truyền tải của những doanh nghiệp này cũng được nhiều cổ đông, nhà đầu tư đánh giá cao. Ðáng nói hơn, các doanh nghiệp này hợp tác cùng đối tác nước ngoài để phát triển dự án, qua đó tận dụng được nguồn vốn giá rẻ, kinh nghiệm quản lý cũng như vận hành dự án. Chính nhu cầu này của nhà đầu tư ngoại đã trở thành động lực buộc doanh nghiệp phải chuẩn chỉnh thông tin và có kế hoạch rõ ràng để chứng minh sự minh bạch thông tin của mình.