Thời khắc khó khăn của Wachovia

Thời khắc khó khăn của Wachovia

(ĐTCK-online) Trong thời gian gần đây, chuyện các ngân hàng, tập đoàn tài chính Mỹ sa thải hoặc truất ngôi các chủ tịch, giám đốc điều hành (CEO) của mình đã không còn là chuyện hiếm. Lý do gần như giống hệt nhau, chủ yếu là do kết quả kinh doanh kém cỏi, làm ăn thua lỗ, giá cổ phiếu sụt giảm, nhất là trong gần một năm nay, hầu như ngân hàng lớn nào ở Mỹ không ít thì nhiều cũng đều bị dính vào vụ khủng hoảng cho vay thế chấp nhà ở đối với các đối tượng có thu nhập thấp (subprime mortgage). Trường hợp gần đây nhất là Wachovia Corp., ngân hàng thương mại lớn thứ 4 Mỹ (xét theo tổng tài sản) cũng không là ngoại lệ.

Cuối tuần qua, Ban giám đốc Wachovia đã họp bất thường và ra quyết định bãi nhiệm Ken Thompson, 57 tuổi, khỏi chức CEO, có hiệu lực ngay từ ngày 1/6/2008. Như vậy là sau khi Charles Prince và Stanley O’Neal bị “bay” khỏi chức CEO của Citigroup và Merrill Lynch, hai tập đoàn tài chính cỡ bự của Mỹ, giờ đến lượt CEO của Wachovia, một ngân hàng vào hạng có tên tuổi và tiếng tăm ở Mỹ.

Ông Ken Thompson đã bị mất chiếc ghế Chủ tịch Wachovia cách đây chưa đầy một tháng, giờ tiêu luôn cả chức CEO, tức là mất sạch.

Lý do cách chức ông được Ken Thompson đưa ra khá rõ ràng: trong quý I/2008, Wachovia bị lỗ tới 708 triệu USD (mức lỗ kỷ lục trong 1 quý), cao gấp gần 2 lần so mức lỗ dự tính trước đó (393 triệu USD); bị mất cỡ vài tỷ USD vì dính vào cuộc khủng hoảng subprime mortgage, giá cổ phiếu của Wachovia trên thị trường chứng khoán New York bị giảm tới 57% trong năm 2007. Thị giá của Wachovia hiện là 47,4 tỷ USD, chỉ bằng một nửa so với con số 96 tỷ USD cách đây đúng 2 năm (tháng 5/2006). Một thành viên trong Ban lãnh đạo Wachovia còn nói, đáng lẽ ra tại Hội nghị cổ đông thường niên của Wachovia tổ chức trong tháng 4 vừa qua, ông Ken Thompson đã phải mất 2 chức cùng lúc rồi... mới phải.

Ông Lanty Smith, 65 tuổi, vừa mới nhậm chức Chủ tịch, nay đảm nhận thêm chức CEO tạm thời (trong khi chờ tìm được người thích hợp thay thế).

Tại phiên giao dịch ngày 2/6/2008, giá cổ phiếu của Wachovia tại Sở GDCK New York (Mỹ) giảm 1,4%, xuống còn 23,46 USD/cổ phiếu.

Nói ông Ken Thompson bị mất sạch là mất về chức quyền và danh thôi, chứ về mặt tài chính ông bị thiệt hại không nhiều. Ông Ken Thompson sẽ được nhận khoản đền bù một cục trị giá 1,45 triệu USD (tương đương với 16 tháng lương cơ bản) cộng với số cổ phiếu trị giá 7,25 triệu USD. Tính ra là hơn 8 triệu USD, một khoản tiền hoàn toàn không nhỏ. Tuy nhiên, ông Ken Thompson vẫn tỏ ra chưa hài lòng với khoản đền bù này, bởi nó “chưa tương xứng với những gì ông đã đóng góp cho Wachovia trong suốt hơn 30 năm qua”.

Ông Ken Thompson vào làm việc tại Wachovia từ năm 1976, sau khi nắm giữ nhiều chức trách khác nhau trong bậc thang quản lý, vào tháng 4/2000, ông được đề bạt vào chức CEO.

Theo nhiều nhà phân tích, nếu đánh giá một cách thật sòng phẳng và khách quan, thì trong gần 8 năm làm CEO Wachovia, ông Ken Thompson đã thực hiện thành công nhiều vụ mua bán và sáp nhập (M&A) có quy mô rất lớn trị giá hàng chục tỷ USD và nhờ đó, Wachovia mới có vị thế như hiện nay và mới có khả năng chen vai thích cánh với các “ông lớn”. Chỉ xin điểm qua vài vụ nổi đình đám nhất.

Năm 2004, Wachovia đã thâu tóm được toàn bộ Ngân hàng SouthTrust Corp. với giá 13,7 tỷ USD.

Tháng 10/2006, ông Ken Thompson là nhà đạo diễn chính trong vụ mua lại Golden West Financial, một ngân hàng lớn ở bang California, với giá 24,2 tỷ USD.

Năm 2007, dưới sự chỉ đạo của ông, Wachovia Securities, một công ty con thuộc Wachovia (Wachovia sở hữu 62% cổ phần, 38% cổ phần còn lại do Prudential Financial nắm giữ) đã mua Công ty A.G. Edwards với giá 6,8 tỷ USD và nhờ đó trở thành công ty môi giới chứng khoán (bán lẻ) lớn thứ 2 Mỹ, chỉ sau Merrill Lynch.

Nhưng giờ đây, vào thời khắc khá khó khăn này, tình thế của Wachovia đã đảo chiều. Từ chỗ chuyên đi mua lại các ngân hàng yếu hơn, nay trớ trêu thay, Wachovia có thể trở thành con mồi để một số tập đoàn tài chính có thực lực xâu xé. Theo một số thông tin mới nhất, JPMorgan Chase & Co đang tìm hiểu và xem xét tới phương án mua lại Wachovia.

 Được thành lập vào năm 1908, hiện có khoảng 122.000 nhân viên, có trụ sở chính tại TP. Charlotte (bang Bắc Carolina), Wachovia đang đứng ở vị trí thứ 46 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Mỹ (Danh sách Fortune 500). Doanh thu năm 2007 của Wachovia là 55,5 tỷ USD, lợi nhuận thuần là 6,3 tỷ USD. Tuy cũng được xếp vào hàng “đại gia”, song Wachovia chủ yếu mạnh ở thị trường nội địa, còn ở ngoài lãnh thổ nước Mỹ, thương hiệu Wachovia không có tiếng tăm lắm. Cũng dễ hiểu, bởi đến nay, Wachovia mới có chi nhánh ở 6 nước châu Mỹ Latinh, còn lại chỉ có văn phòng đại diện ở một số nước khác trên thế giới.