Sau khi Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long chia sẻ ý định mua vào cổ phiếu HPG trên sàn với khối lượng khoảng 10 triệu đơn vị, trong tuần qua, con trai của ông Tạ Tuấn Quang, thành viên Hội đồng quản trị công ty này cũng đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu.
Khối lượng cổ phiếu mua không nhiều, nhưng thời điểm chọn mua cho thấy cổ đông nội bộ có cái nhìn đồng nhất về giá trị cổ phiếu HPG ở thời điểm hiện tại.
Áp lực lên thị giá cổ phiếu HPG là đà bán ròng liên tục của khối ngoại trong những phiên giao dịch gần đây. Lực bán này xuất phát từ lo ngại ngành thép tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Giá thép nguyên liệu đã giảm mạnh từ giữa năm 2018. Lợi nhuận của các nhà sản xuất thép cán nóng Trung Quốc đã giảm từ hơn 100 USD/tấn xuống còn rất mỏng, chỉ hơn 30 - 40 USD/tấn. Các công ty tôn thép trong nước lỗ nặng. Thép xây dựng ít bị ảnh hưởng hơn, nhưng có thể khó dự báo được diễn biến tiếp theo khi cuộc chiến thương mại trở nên phức tạp hơn.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, năm 2019, tỷ suất lợi nhuận của HPG có thể giảm do áp lực tăng thị phần khi các dây chuyền của dự án Dung Quất đi vào hoạt động. Cuộc tiếp xúc của lãnh đạo Hòa Phát với các nhà đầu tư trong tuần trước cho thấy việc đầu tư vào HPG phải có tầm nhìn dài hạn, trước khó khăn của ngành. Thực tế này làm nản lòng các nhà đầu tư ngắn hạn, đặc biệt trước xu hướng bán ròng của khối ngoại.
Đáng chú ý là thông báo mua vào 4 triệu cổ phiếu CII của Công ty TNHH Lê Thành Cường. Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty Lê Thành Cường. Mục đích giao dịch là đầu tư cổ phần.
Trước đó, trên trang Facebook, ông Bình đã có những chia sẻ liên quan đến các hoạt động CII: “Ơn trời, mặc dù còn một ít việc phải làm, nhưng CII đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để có thể tiến về phía trước theo như kế hoạch đã đặt ra. Đã đến lúc phải nỗ lực hết sức, làm việc ngày đêm, để lấy lại khoảng thời gian đã mất trong gần một năm vừa qua…”.
Trong quá khứ lãnh đạo của CII và các công ty liên quan có truyền thống mua vào cổ phiếu CII với mục đích đầu tư tài chính. Cổ phiếu CII đã phục hồi trong tháng 10, nhưng đã điều chỉnh vào cuối tháng 11 và nhúc nhích đi lên trước các thông điệp của ông Bình.
Nếu như tháng trước, thị trường ấn tượng bởi sự quyết liệt mua vào khối lượng lớn cổ phiếu VPB của cổ đông nội bộ Ngân hàng VPBank thì tuần qua, câu chuyện tương tự với cổ phiếu TCB của Ngân hàng Techcombank.
Con trai Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh đã công bố mua vào 44,7 triệu cổ phiếu TCB. Việc mua lại này xem ra là nhằm nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của một cổ đông nội bộ khác là bà Nguyễn Liên Hương, em dâu ông Hùng Anh. Tuy nhiên, việc các cổ đông nội bộ chọn thời điểm giao dịch này khá hợp lý khi mà TCB ở vùng giá thấp nhất kể từ khi niêm yết đến nay.
Ở mặt bằng giá này, phí giao dịch cho các cổ đông lớn là thấp nhất và tránh một lượng hàng được khớp lệnh trên thị trường với giá thấp ra thị trường, trong trường hợp bà Liên thật sự có nhu cầu chuyển nhượng vì nhu cầu cá nhân.
Con trai của Phó chủ tịch TPBank cũng vừa mua xong 25 triệu cổ phần TPB bằng hình thức giao dịch thỏa thuận trong những ngày cuối tháng 11. Không phải ngẫu nhiên mà các ông chủ ngân hàng đều đồng loạt chọn thời điểm này để giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu.
Mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng đã ở mức định giá theo P/E rất hợp lý, thay vì mức P/E cao vút như hồi đầu năm nay. Ở mức giá này, nhà đầu tư có thể yên tâm nắm giữ cổ phiếu ngân hàng để nhận cổ tức ít nhất bằng hoặc tốt hơn lãi suất gửi tiết kiệm.
Động thái mua vào của các cổ đông nội bộ có thể là tín hiệu tích cực cho thị trường trong bối cảnh thiếu lực đỡ của dòng tiền ngoại và thị trường chứng khoán chịu nhiều tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bởi hơn ai hết, các cổ đông nội bộ này là người hiểu rõ nhất giá trị của doanh nghiệp trong tương lai, việc gia tăng sở hữu của các cổ đông này sẽ trấn an tâm lý nhà đầu tư trước đà rơi của thị giá cổ phiếu.