Thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp đã được rút ngắn

Thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp đã được rút ngắn

(ĐTCK) TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, bảng đánh giá chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2017 có một số điểm chưa hợp lý. 

 

Thưa ông, Báo cáo môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố ghi nhận thứ hạng của Việt Nam tăng 9 bậc, nhưng chỉ số gia nhập thị trường lại bị tụt hạng. Ông đánh giá sao về điều này?

Báo cáo của WB cho thấy, tính chung về môi trường kinh doanh, Việt Nam tăng 9 hạng. Về chỉ số gia nhập thị trường, chúng ta bớt được 1 thủ tục, nhưng số ngày trung bình lại tăng từ 20 ngày lên 24 ngày. Vì vậy, trong bảng xếp hạng, chúng ta bị tụt bậc.

Đây là một chỉ số liên quan trực tiếp đến Luật Doanh nghiệp 2014. Kết quả này có phần ngược với mục tiêu và nội dung cải cách của Luật, đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, chi phí cho việc gia nhập thị trường. Cụ thể, có 3 cải cách lớn của Luật Doanh nghiệp là rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; cải cách con dấu và chuyển sang áp dụng thủ tục thông báo nội dung thay đổi nội dung đăng ký DN theo nguyên tắc “tự động” đối với một số thủ tục.

Phân tích kỹ bảng đánh giá chỉ số gia nhập thị trường, tôi thấy có một số vấn đề chưa phản ánh đúng thực tế hoặc là cải cách mới của Luật Doanh nghiệp chưa được triển khai đầy đủ và đúng tinh thần ở một số nơi.

Cụ thể, về thủ tục khắc dấu, WB đo lường mất từ 2 - 4 ngày để khắc dấu. Tuy nhiên, theo những thay đổi lớn của Luật Doanh nghiệp về nội dung này, tôi cho rằng không thực tế nếu tính thủ tục này mất nhiều thời gian như vậy.

Trước đây, để làm dấu, DN đến cơ sở khắc dấu và nộp giấy giới thiệu của cơ quan đăng ký kinh doanh cho cơ sở khắc dấu. Sau khi cơ sở khắc dấu làm xong, sẽ mang dấu lên cơ quan công an và sau đó, DN phải đến cơ quan công an nhận dấu. Với cách thức như vậy, DN mất trung bình từ 2 – 4 ngày. Hiện tại, DN được tự khắc dấu, không cần xin phép hay hỏi ý kiến cơ quan công an như trước đây và bản chất đây là giao dịch dân sự giữa DN và đơn vị khắc dấu.

TS. Phan Đức Hiếu 

Như ông nói, đây là giao dịch dân sự giữa DN và đơn vị khắc dấu thì liệu có còn là thủ tục hành chính?

Bản chất hoạt động này đã thay đổi và việc khắc dấu là giao dịch dân sự. Nếu tính đây là thủ tục bắt buộc của DN khi tham gia thị trường thì không phản ánh đúng tinh thần cải cách của Luật DN.

Cũng liên quan đến con dấu, thủ tục đăng ký mẫu dấu được tính là mất 5 ngày. Tôi cho rằng điểm này cũng rất khó hiểu, bởi sau khi có con dấu, DN chỉ phải làm thủ tục thông báo để cơ quan quản lý lưu vào hồ sơ pháp lý của DN. Thủ tục này rất đơn giản và không thể mất đến 5 ngày.

Theo ông còn những điểm nào trong bảng đánh giá chưa phù hợp?

Một điểm nữa là thủ tục công bố nội dung đăng ký kinh doanh. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc là đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh thì DN công bố nội dung này trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN. Thủ tục này được tính là 5 ngày, theo tôi có thể chưa phản ánh đúng thực tế. Bởi tại nhiều nơi, thủ tục này được tiến hành đồng thời với thủ tục đăng ký DN; khi nộp hồ sơ đăng ký DN thì phòng đăng ký kinh doanh sẽ hỏi DN có cần làm thủ tục công bố luôn không. Nếu DN yêu cầu, phòng đăng ký kinh doanh sẽ giải quyết luôn, DN không phải đi lại.

Nhưng ngay cả khi DN thực hiện thủ tục này một cách độc lập sau khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, họ chỉ cần đến phòng đăng ký kinh doanh yêu cầu công bố nội dung đăng ký kinh doanh. Cơ quan cấp đăng ký kinh doanh đã có đầy đủ thông tin và chỉ cần công khai trên trang cơ sở dữ liệu quốc gia.

Với kinh nghiệm của một người tham gia thực tế triển khai luật, theo tôi, thủ tục này thường chỉ mất 1 ngày. Cộng với thời hạn đăng ký mẫu dấu là 3 ngày, thời gian để DN gia nhập thị trường chưa đến 20 ngày, ngắn hơn so với năm ngoái, không thể là 24 ngày như đánh giá của WB.

Sự đo lường này dựa trên bảng khảo sát DN. Theo ông vì sao có sự chênh lệch giữa quy định và kết quả khảo sát?

Chỉ số này đo lường chi phí và thời gian thực tế mà DN phải hoàn thành qua phiếu khảo sát thực tế, không đo lường thời gian được ghi nhận theo các quy định của luật. Do đó, thời gian thực tế mà DN phải thực hiện thủ tục có thể dài hơn hoặc ngắn hơn.

Theo tôi, kết quả đo lường của WB có thể phản ánh một bức tranh trung bình, nhưng đó là một thực tế đang tồn tại ở đâu đó. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần xem xét, đánh giá lại việc thực hiện luật DN trên thực tế để đảm bảo những cải cách của Luật được thực hiện đầy đủ và đúng trên thực tế.

Tin bài liên quan