Bắt đầu từ dòng vốn đầu tư trên thị trường, ông thấy có nét nào mới trong 3 quý đầu năm 2024?
Trước khi nhìn vào diễn biến dòng vốn FDI năm 2024, cũng cần nhìn lại năm trước. Năm 2023, 75% lượng vốn vào Việt Nam đến từ các nước châu Á. Trong đó, 2 thị trường truyền thống là Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) mỗi thị trường chiếm khoảng 16%; Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm 15%; tiếp theo là Hàn Quốc với 14% và Nhật Bản với 13%. Năm qua, dòng vốn từ khu vực Âu - Mỹ đến Việt Nam chưa nhiều.
Theo quan sát của tôi, từ đầu năm 2024 đến nay, dòng vốn từ khối nói tiếng Hoa vẫn nổi bật nhất và chiếm sóng đầu tư, trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản có sự suy giảm đáng kể.
Ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc Tiếp thị kinh doanh kiêm Kỹ thuật dự án, Công ty cổ phần Long Hậu (mã LHG) |
Đâu là yếu tố cản trở bước chân của 2 nhà đầu tư lớn này?
Tôi cho rằng, nguyên nhân có thể do tác động từ tỷ giá, làm cho đồng Won và Yên giảm sâu so với USD, từ đó khiến các nhà đầu tư này không mạnh dạn ra quyết định.
Quan sát một số triển lãm thương mại và đầu tư từ các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc cũng cho thấy số lượng doanh nghiệp tham dự năm 2024 giảm đáng kể. Điều này cũng phản ánh bức tranh chung của thị trường đầu tư.
Với khối Âu - Mỹ, thị trường Đức có sự quan tâm nhiều đến Việt Nam, nguyên nhân do sự dịch chuyển của những nhà sản xuất từ Đức ra bên ngoài, một phần từ Trung Quốc.
Về khẩu vị, chiến lược đầu tư thì sao?
Các diễn biến kinh tế, địa chính trị trên thế giới đã làm xuất hiện một chiến lược đầu tư mới, đó là “Local for global”. Ví dụ, doanh nghiệp Đức có mặt tại Trung Quốc thì nhà xưởng, trụ sở đó chỉ phục vụ cho thị trường Trung Quốc, chứ không phục vụ cho thị trường toàn cầu nữa, mà họ sẽ tìm nơi khác để mở thêm nhà máy phục vụ cho thị trường rộng lớn này. Đây là sự tiến hóa của chiến thuật “China plus one” (Trung Quốc +1).
Trong bối cảnh đó, Việt Nam được hưởng lợi gì?
Do có độ mở kinh tế lớn, lại nằm gần Trung Quốc nên Việt Nam được ưu tiên trong xu hướng “Local for global”, nhưng có sự phân hóa rõ nét theo khu vực, ngành nghề, chứ không dàn đều.
Chẳng hạn, tại khu vực phía Bắc, lĩnh vực điện, điện tử đang thu hút hút tốt dòng vốn FDI nhờ xây dựng được chuỗi cung ứng tương đối hoàn chỉnh.
Nói về lĩnh vực, ông thấy có sự khác biệt nào trong xu hướng đầu tư vào 2 miền Nam - Bắc?
Với các nhà đầu tư nước ngoài, mối quan tâm lớn nhất là về chi phí phát triển dự án. Chi phí này cấu thành từ nhiều yếu tố, trong đó chuỗi cung ứng là tác động nhiều nhất, nên sức hút cho doanh nghiệp điện tử là có khuynh hướng một phần từ Trung Quốc, một phần từ Việt Nam. Do vậy, phía Bắc đang được ưu tiên nhiều hơn (vì gần Trung Quốc - PV).
Tuy nhiên, cũng có nhiều lĩnh vực phù hợp với khu vực phía Nam hơn như công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp và công nghiệp chế biến… Điều này ngoài yếu tố địa lý, thị trường…, thì còn mang cả tính lịch sử (khối doanh nghiệp Âu - Mỹ thường chọn phía Nam để đặt trụ sở, nhà xưởng…), bởi nhiều lĩnh vực, ngành nghề đã hình thành nơi đây có chuỗi cung ứng hoàn thiện, hạ tầng giao thông phát triển, các doanh nghiệp vào sau sẽ thuận lợi hơn.
Cũng phải thừa nhận rằng, có những nhà đầu tư lớn đã thay đổi kế hoạch tại Việt Nam, theo ông, điều này có đáng lo?
Vừa qua, có một số doanh nghiệp đầu tư hạ tầng năng lượng lớn không đầu tư vào Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ hiệu quả của dự án. Trong hoạt động đầu tư, dù là khoản đầu tư lớn hay nhỏ đều cần xem xét tính hiệu quả, nếu không đảm bảo yếu tố này thì việc nhà đầu tư không lựa chọn là chuyện bình thường, không có gì đáng lo.
Trong câu chuyện này, tôi cho rằng, vấn đề nằm ở việc chúng ta muốn phát triển gì và có điểm gì để thu hút nhà đầu tư, nếu có “độ vênh” giữa thứ ta muốn và thứ nhà đầu tư cần thì mới thực sự đáng quan ngại. Hơn nữa, với các tập đoàn đa quốc gia, khi lựa chọn địa điểm đầu tư, họ sẽ tiến hành tìm hiểu ở nhiều thị trường, chứ không chỉ Việt Nam. Dẫu vậy, chúng ta cần có sự nhìn nhận, đánh giá để chuẩn bị cho tương lai.
Lấy ví dụ, các dự án lớn có nhu cầu ổn định hạ tầng sản xuất (như điện, nước, lực lượng lao động...) rất cao. Chúng ta có thể có lợi thế về chi phí, nhưng mức độ ổn định so với các đối thủ cạnh tranh lại không tốt bằng, nên chưa chắc đã được lựa chọn.
Nhân nói về đối thủ, đâu là những cái tên “đáng gờm” nhất của Việt Nam hiện nay?
Theo tôi, đó là các thị trường Indonesia, Ấn độ và Malaysia. Trong đó, Malaysia là đối thủ chính ở lĩnh vực công nghệ, những ngành chất lượng cao. Còn cạnh tranh trực tiếp nhất đối với cơ cấu các ngành nghề Việt Nam đang thu hút đầu tư là Indonesia. Trong khi đó, Ấn Độ lại có sức hút của một thị trường lớn tiềm năng, giống như Trung Quốc những năm trước đây.
Vậy còn lợi thế cạnh tranh của Việt Nam thì sao?
Đầu tiên là sự ổn định và có nhiều kinh nghiệm trong thu hút FDI cùng chuỗi cung ứng tương đối hoàn thiện của một số ngành, lĩnh vực. Chúng ta đã xây dựng được điều này và là lợi thế cần duy trì.
Sau đó, thêm 2 yếu tố phụ là lực lượng lao động và thị trường (nội địa và từ Việt Nam ra thế giới). Theo ghi nhận của chúng tôi, Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao, nhưng chất lượng hạ tầng giao thông, logistics, nguồn nhân lực… cần được quan tâm nhiều hơn để cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh.
Về phía nhà đầu tư, ông thấy điều họ muốn cải thiện là gì?
Như đã nêu ở trên, điều các nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm là chi phí, tính hiệu quả của dự án, mà điều này chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố môi trường kinh doanh và thủ tục pháp lý. Cần biết rằng, thời gian cũng là chi phí, “một đồng hôm nay bằng mấy đồng ngày mai”, nên nếu quy trình, thủ tục đầu tư càng kéo dài thì càng làm giảm hiệu quả dự án, sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư theo đó cũng giảm đi.
Tôi lấy ví dụ, thủ tục đầu tư nhà máy sản xuất cần được rút ngắn hơn nữa và có hành lang pháp lý, quy định rõ ràng, từ đó tiết kiệm được thời gian, chi phí hơn cho doanh nghiệp. Việc sản xuất bây giờ diễn tiến nhanh hơn trước rất nhiều, dòng đời sản phẩm bị thu ngắn lại. Mọi thứ đều gấp, đều nhanh hơn nên quy trình, thủ tục cũng phải rút ngắn lại, đòi hỏi chuyển mình theo thời đại là rất thực tế.
Cụ thể hơn, theo ông, chúng ta nên tập trung “sửa” gì trước?
Điểm đầu tiên và có thể làm ngay là cải thiện môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính. Tiếp theo là tăng đầu tư cho hạ tầng giao thông để giảm thiểu chi phí logistics (cả cho người lao động và hoạt động xuất nhập hàng hóa). Cuối cùng là các hỗ trợ về kỹ thuật, lao động. Kỹ thuật là tập trung thu hút các ngành phụ trợ cho hoàn thiện chuỗi cung ứng, lao động thì có tay nghề cao, môi trường sinh hoạt và làm việc được ổn định.
Ông có đề cập đến nguồn cung năng lượng, càng thu hút dự án chất lượng cao thì đòi hỏi về năng lượng càng lớn và ổn định hơn?
Đúng vậy, trong sản xuất thì không thể thiếu điện, nhất là các mô hình sản xuất mới đòi hỏi lượng điện nhiều hơn, máy móc tự động hóa nhiều hơn nên sẽ tốn điện hơn. Bởi vậy, chúng ta cần tiếp tục cải thiện yếu tố này vì đây là hạ tầng cơ bản. Tại Việt Nam, giá điện rẻ hơn nhiều nước khác trong khu vực, nhưng cần cải thiện sự ổn định. Ngoài ra, cũng cần kiểm soát tần suất thay đổi giá điện, tránh gây quan ngại cho nhà đầu tư.
Trong bối cảnh đó, dường như điện áp mái là giải pháp phù hợp?
Tài nguyên nắng cần được khai thác hiệu quả và đây là giải pháp phù hợp, nhất là với khu vực phía Nam - nơi có nhiều nắng. Mặt bằng mái của nhà xưởng lớn nên phù hợp cho việc lắp đặt điện áp mái. Chi phí cho thiết bị làm điện áp mái cũng giảm đáng kể trong những năm gần đây nên tính khả thi cao.
Hiện nay, có nhiều mô hình đầu tư điện áp mái mà khách thuê không cần quá tốn kém chi phí. Long Hậu cũng làm điện áp mái để vừa cung cấp cho dịch vụ mặt bằng, kho bãi, vừa cung cấp điện cho khách thuê. Mục tiêu của chúng tôi là hướng đến sản xuất xanh.