Đa phần doanh nghiệp Việt mới đáp ứng tính tuân thủ
Tại Diễn đàn thường niên về quản trị công ty lần thứ 5 (AF5) do Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) và Báo Đầu tư đồng tổ chức cuối tuần qua, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD cho biết, quản trị công ty không đơn thuần là việc tuân thủ các quy định của pháp luật. Vượt lên trên sự tuân thủ, quản trị công ty đang được coi là một trong ba thành tố quan trọng của phát triển bền vững của doanh nghiệp, là một thước đo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Quản trị công ty gắn liền với quản trị hiệu quả tác động của biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải các-bon đi cùng với thực thi trách nhiệm xã hội.
Trong khuôn khổ Diễn đàn AF5, Ban Tổ chức đã vinh danh các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam đạt giải thưởng của kỳ đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN ACGS2021. Top 3 doanh nghiệp niêm yết Việt Nam có điểm quản trị công ty tốt nhất trong kỳ đánh giá ACGS2021 bao gồm Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần FPT và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Theo thông tin từ Diễn đàn, điểm quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam đã ghi nhận cải thiện từng bước (trung vị đạt điểm từ mức 23,7% năm 2012 lên mức 45,4% năm 2021), với 50% doanh nghiệp tập trung vùng điểm [35,4 – 50,9%] và có phân hoá lớn về điểm quản trị công ty trong nhóm 25% công ty dẫn đầu (với khoảng cách điểm từ 50,9 - 83,5%).
Kết quả kỳ ACGS2021, Việt Nam có một doanh nghiệp được vào danh sách tài sản đầu tư giá trị của ASEAN là Vinamilk. Đây cũng là kỳ thứ hai liên tiếp Vinamilk đạt danh hiệu này.
Theo bà Thanh, ESG không chỉ là một xu hướng tất yếu trên toàn cầu mà là những vấn đề then chốt đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế, đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp để phát triển nhanh và mạnh hơn trong tương lai.
Ông Darry Dong, Giám đốc Tài chính cấp cao Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) khẳng định, khi thực hành ESG tốt, doanh nghiệp quản lý rủi ro tốt hơn, nâng cao vị thế kinh doanh, giảm chi phí vận hành, giữ chân được nhân tài và quan hệ tốt với các bên liên quan.
“ESG là yếu tố thay đổi hoàn toàn cuộc chơi của doanh nghiệp. Hội đồng quản trị có trách nhiệm to lớn và càng lớn hơn khi vận hành doanh nghiệp theo cách sạch hơn, minh bạch hơn và bảo vệ môi trường, thúc đẩy tính nhân văn trong hoạt động kinh doanh”, ông nói.
Việt Nam đã xác định hai mục tiêu kép, là quốc gia có thu nhập cao và phát thải ròng bằng 0. Ông Darry Dong tin rằng, Việt Nam đã xây dựng được tầm nhìn, đam mê và năng lực lãnh đạo để biến tham vọng thành hiện thực, dĩ nhiên điều này không dễ dàng, cần nỗ lực và nguồn vốn đầu tư lớn.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) và IFC ước tính, để đạt mục tiêu kép thì Chính phủ Việt Nam cần huy động thêm 368 tỷ USD tính theo giá trị hiện tại. Từ nay tới năm 2040, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, con số đầu tư rất lớn nhưng cơ hội đầu tư cũng rất lớn. Chính phủ không thể làm một mình được, mà là các doanh nghiệp ở đây cùng chung vai gánh vác.
Thế giới ngày nay đặt ra yêu cầu phải có các tiêu chuẩn vận hành cho doanh nghiệp mới và ESG chính là tiêu chuẩn tốt. Thị trường đánh giá cao các hội đồng quản trị có tính cam kết cao, các doanh nghiệp thực hành ESG tốt.
Tuy vậy, tại Việt Nam hiện nay, đa phần các doanh nghiệp mới dừng lại ở tính tuân thủ các quy định pháp luật về quản trị công ty. Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, điểm quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết có đến 70% là yếu tố tuân thủ, chỉ 30% có áp dụng thêm các thông lệ tốt, chủ động tuân thủ vượt lên trên các yêu cầu tối thiểu của pháp luật như tích hợp về báo cáo phát triển bền vững.
Bắt đầu từ thay đổi quản trị công ty
Những năm gần đây, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) đã đẩy mạnh tích hợp ESG vào chiến lược hoạt động của doanh nghiệp. Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ cho biết, “Công ty đã mò mẫm đi theo các thông lệ quốc tế và thấy mình tiến hoá lên”.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội Khóa XV nhìn nhận, môi trường – xã hội - quản trị là 3 trụ cột trong xu thế kinh doanh mới, gắn bó chặt chẽ với nhau. Lợi ích kinh tế của doanh nghiệp phải hài hòa với lợi ích của môi trường - xã hội, đó là người lao động, đối tác, tổ chức tín dụng, khách hàng, bạn hàng và xã hội. Nếu không làm được điều đó, doanh nghiệp sẽ suy giảm sức cạnh tranh, thậm chí không thể tồn tại trong bối cảnh đối tác, bạn hàng ngày càng đòi hỏi cao về phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Vậy làm sao để doanh nghiệp thực hiện? Theo ông Hiếu, doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh, trong đó động lực quan trọng nhất là quản trị công ty.
“Rất khó để một doanh nghiệp muốn làm tốt về môi trường - xã hội mà lại có khuôn khổ quản trị yếu kém. Khi có khuôn khổ quản trị tốt thì tự khắc đưa doanh nghiệp vận hành thêm cả môi trường – xã hội tốt”, ông Hiếu khẳng định.
Hiện Chính phủ đã thiết lập được khuôn khổ pháp lý về quản trị công ty tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng thực tế, quản trị công ty không chỉ dừng ở tuân thủ, mà cần áp dụng các chuẩn mực cao hơn. Quản trị thực tế tại các doanh nghiệp cần cải thiện hơn nữa. Nhà nước cần có sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ hơn, nhưng quan trọng hơn là giám sát của xã hội, nhà đầu tư, của người sắp mua cổ phiếu công ty.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu tích hợp tác động kinh tế - xã hội khác nhau của biến đổi khí hậu và các chiến lược thích ứng đối với Việt Nam đến năm 2050, nếu không tính đến những yếu tố phi tuyến tính về kinh tế - xã hội có thể nảy sinh từ vấn đề biến đổi khí hậu, thiệt hại kinh tế trực tiếp tích lũy trung bình hàng năm sẽ rơi vào khoảng 1,8% GDP khi nhiệt độ tăng lên 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thiệt hại sẽ là 4,5% GDP khi nhiệt độ tăng 1,5 độ C; 6,7% GDP khi nhiệt độ tăng 2 độ C và lên đến 10,8% GDP khi nhiệt độ tăng 3 độ C.
Tình trạng báo động cùng với cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 về việc Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đang tạo ra thời điểm vàng để các doanh nghiệp Việt cần đưa ra chiến lược, chính sách và hành động với ba trụ cột ESG.
Hội đồng quản trị đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong những bước đầu để tích hợp ESG vào chiến lược của doanh nghiệp. Cụ thể, có bảy vấn đề liên quan trực tiếp đến hội đồng quản trị: (1) Hiểu về mô hình quản trị ESG; (2) Xác định cấu trúc của hội đồng quản trị; (3) Tích hợp ESG vào các khía cạnh chiến lược của công ty; (4) Nhất quán giữa rủi ro và giám sát ESG; (5) Hiểu về mức độ trưởng thành ESG của công ty; (6) Giám sát quá trình áp dụng khung ESG; (7) Thực hiện đảm bảo, công bố thông tin và truyền thông.
Hội đồng quản trị cần xác định cơ cấu quản lý và yêu cầu cụ thể với từng thành viên hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Ủy ban phụ trách ESG và Ủy ban Kiểm toán.
Khi ESG trở nên quan trọng hơn, các bên có lợi ích liên quan sẽ tập trung hơn vào tính trung thực trong các công bố thông tin về ESG của doanh nghiệp. Liên quan đến vấn đề này, hiện nay tại Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn rõ ràng, thống nhất quy định khiến cho một số doanh nghiệp sẽ tìm cách đối phó, chỉ đưa ra thông tin giới hạn ít ảnh hưởng đến danh tiếng doanh nghiệp của mình.
Theo đó, nhà đầu tư khó đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vì hạn chế dữ liệu để so sánh. Phía doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc xác định chỉ số nào nên theo dõi.