Ba năm gần đây, Tập đoàn The Vissai mua lại 4 nhà máy xi măng.

Ba năm gần đây, Tập đoàn The Vissai mua lại 4 nhà máy xi măng.

Thời điểm tốt mua lại dự án xi măng

Hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) đang tiếp thêm niềm tin cho những doanh nghiệp (DN) xi măng đang gặp khó khăn về cơ hội trỗi dậy sau khi tìm được nhà đầu tư chiến lược.

Động cơ M&A

 

Trong thời điểm tiêu thụ xi măng chưa có dấu hiệu khả quan, lại xuất hiện dày hơn các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành xi măng.

 

Đó là các thương vụ Tập đoàn Vissai mua lại Nhà máy Xi măng Đồng Bành (Lạng Sơn) từ Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) với giá 171 tỷ đồng; Tập đoàn Xi măng Semen Gresik Indonesia mua lại Xi măng Thăng Long với giá 4.800 tỷ đồng; Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) mua 2 dự án tại miền Trung là Xi măng Áng Sơn 2 và 76% cổ phần của Xi măng miền Trung trong đầu năm 2013…

 

Sau khi mua lại 2 nhà máy kể trên, Vicem đang hoàn thiện thủ tục để mua lại Nhà máy Xi măng Hạ Long (Quảng Ninh) - là một trong 5 nhà máy xi măng thuộc diện đặc biệt khó khăn, với dư nợ trên 5.000 tỷ đồng và không có khả năng trả nợ. Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vicem, ông Lương Quang Khải xác nhận thông tin này và cho biết, các thủ tục của thương vụ này đang được Vicem thực hiện theo đúng luật định.

 

Câu hỏi đặt ra là, đâu là động cơ của Vicem trong thương vụ này, nhất là trong bối cảnh ngành xi măng đang khủng hoảng thừa do cung lớn hơn cầu, nhu cầu thị trường giảm sâu? Vicem có kế hoạch gì để vực dậy một nhà máy dư nợ lớn như vậy?

 

Về vấn đề này, lãnh đạo Vicem cho rằng, ở tầm vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng đều mong muốn Vicem mua lại Nhà máy Xi măng Hạ Long, bởi nếu không xử lý nhanh, Nhà máy sẽ phá sản. Hơn nữa, Vicem là DN có vốn nhà nước, nên thấy mình phải có trách nhiệm ở một mức độ nào đó. Đồng thời, tự thân Vicem cũng nhìn thấy sự hấp dẫn ở thương vụ này.

 

Ông Khải cho rằng, đây là thời điểm tốt nhất cho bất kỳ nhà đầu tư nào muốn mua lại nhà máy xi măng, bởi thị trường chứng khoán đang giảm thấp, DN dễ dàng mua lại được với mức giá tốt nhất.

 

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn, DN thành viên của Viem đã mua lại 77% cổ phần của Công ty cổ phần Xi măng miền Trung, đồng thời tiếp nhận Trạm nghiền Đại Việt (Quảng Ngãi, công suất 500.000 tấn xi măng PCB30, PCB40/năm, giá trị đầu tư ban đầu là 200 tỷ đồng) chỉ với giá xấp xỉ 100 tỷ đồng.

 

Đối với Xi măng Áng Sơn 2, chủ mới chỉ phải trả khoản tiền bằng giá mua thiết bị của nhà máy qua kiểm toán. Nhà máy Xi măng Áng Sơn 2 do Côngty TNHH Cơ khí đúc Thắng Lợi làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng, công suất 650.000 tấn xi măng/năm.

 

Điều đáng nói là, Nhà máy Xi măng Hạ Long được đầu tư đồng bộ, thiết bị hiện đại và mới đưa vào hoạt động năm 2010. Nhà máy lại nằm ở vùng Đông Bắc, với vị trí địa lý thuận tiện cho việc phát triển, hỗ trợ lẫn nhau trong cả hệ thống các nhà máy của Vicem ở miền Bắc. Đặc biệt, việc Nhà máy nằm gần cảng sẽ là một thuận lợi cho Vicem trong việc vận chuyển xi măng vào miền Trung và miền Nam và cả xuất khẩu… Tất cả những yếu tố mà Xi măng Hạ Long có được đều trùng khít với chiến lược phát triển của Vicem trong dài hạn.

 

Cơ hội bùng phát

 

Xác định giá trị của một nhà máy xi măng trong mỗi thương vụ M&A luôn là một câu chuyện dài. Ví dụ, Xi măng Thăng Long được Tập đoàn xi măng Semen Gresik mua với giá 4.800 tỷ đồng, được nhiều DN trong ngành nhận định là mức giá quá cao trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường không bao giờ để mình rơi vào cảnh “ném tiền qua cửa sổ”, nếu không nhìn thấy những cơ hội phát triển, sinh lời trong tương lai… M&A hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược, có tầm nhìn, có năng lực sản xuất, thị trường là vì vậy.

 

Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, M&A ngành xi măng có nhiều cơ hội bùng phát trong giai đoạn này. Trước hết, khi kinh tế khủng hoảng, việc lựa chọn các kênh đầu tư đang gặp khó khăn, chứng khoán, bất động sản đều khó sinh lời, thì nhiều DN xi măng sẽ dồn vốn đầu tư cho ngành nghề kinh doanh cốt lõi, mua lại nhà máy, nhanh chóng củng cố năng lực sản xuất, tận dụng các giá trị vô hình lẫn hữu hình của DN mua về.

 

Không khó để nhận thấy, trong các vụ M&A ngành xi măng, bên mua thường là các DN có quy mô sản xuất lớn, thị trường lớn, kinh nghiệm nhiều năm làm xi măng. Chẳng hạn, 3 năm gần đây, Tập đoàn The Vissai đã mua lại 4 nhà máy xi măng: Vinashin, Hòa Phát (Hà Nam ), Đô Lương (Nghệ An) và gần đây nhất là Đồng Bành (Lạng Sơn). Ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch The Vissai cho biết, Tập đoàn sẽ tiếp tục để mắt tới những nhà máy phù hợp với chiến lược đầu tư, mở rộng của Vissai.

 

Vicem cũng khẳng định, sẽ chỉ đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chủ lực là xi măng. “Một vài năm nữa, khi khủng hoảng qua đi, việc trả nợ vốn và lãi vay đầu tư đã xong, Vicem chắc chắn sẽ đầu tư mở rộng sản xuất. Bởi vậy, mua lại các nhà máy làm ăn thua lỗ là cách nhanh nhất để Vicem vừa đạt được mục tiêu sản lượng, chiếm lĩnh thị trường, nhưng lại tiết kiệm được chi phí đầu tư”, ông Khải nhấn mạnh và cho biết, đây cũng là cách làm của hầu hết các tập đoàn xi măng lớn trên thế giới, như Holcim, Lafarge, Cemex, Siam Cement (SCT), Semen Gresik…

 

Rõ ràng, xu thế M&A trong ngành xi măng là không tránh khỏi, nhưng theo ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng như lãnh đạo nhiều DN xi măng, cần phải cân nhắc và hạn chế không để các tập đoàn nước ngoài thôn tính các nhà máy xi măng lớn có lợi thế cạnh tranh, có công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, có địa thế ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, nhằm biến Việt Nam thành nơi cung cấp tài nguyên, năng lượng, lao động, làm ô nhiễm môi trường sinh thái.