Thời gian vừa qua, lãi suất trên thị trường ngân hàng và tỷ giá các loại ngoại tệ trên VND liên tục biến động mạnh. Bà đánh giá như thế nào tác động của những thay đổi trên tới đời sống DN và TTCK?
Những biến động của lãi suất và tỷ giá thời gian qua nhìn chung có chiều hướng tác động tiêu cực ngắn hạn đến DN và TTCK, do làm tăng chi phí của DN (chi phí vốn vay VND và chi phí vay ngoại tệ, chi phí nguyên vật liệu đầu vào trực tiếp hoặc gián tiếp có nguồn gốc nhập khẩu) và khó khăn tiếp cận vốn để đầu tư trên TTCK đối với các nhà đầu tư. Các DN có nguồn thu ngoại tệ hoặc tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn trước đây sẽ có lợi thế, thậm chí là hưởng lợi từ diễn biến này. Tác động tới TTCK còn phản ánh ở giá và thanh khoản khi kỳ vọng của nhà đầu tư với kết quả kinh doanh của DN trong ngắn hạn không tích cực. Tất nhiên, khi nhìn dài hạn hơn thì mục đích chính sách rõ ràng là để ổn định vĩ mô và do đó sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh cho DN.
Xin cho biết dự báo của bà về diễn biến tỷ giá, lãi suất trong thời gian tới?
Về tỷ giá, chúng tôi ước lượng hiện nay VND đang được định giá cao so với USD gần 20%, do đó khả năng tiếp tục giảm giá VND theo tôi là hợp lý trong thời gian tới, nhưng tôi thiên về khả năng điều chỉnh trong quý I năm sau. Còn về lãi suất, tôi cũng cho rằng, diễn biến lãi suất hiện nay là cú shock ngắn hạn cho DN để nhằm mục tiêu xa hơn là ổn định vĩ mô, khi các cân bằng vĩ mô trở nên hợp lý hơn thì lãi suất sẽ giảm xuống mức hợp lý hơn.
Với những dự báo trên, bà đánh giá thế nào về cơ hội đầu tư vào TTCK thời điểm này? Chiến lược nào là hợp lý cho các NĐT cá nhân?
Đầu tư ngắn hạn thời điểm này theo tôi không phải là lựa chọn tốt, vì trên thực tế chưa có tín hiệu tích cực cho hoạt động DN, cũng như chuyển biến rõ nét về vĩ mô trong ngắn hạn sau khi có các điều chỉnh chính sách. Mặc dù vậy, theo tôi, đây là thời điểm tốt để đầu tư vào TTCK với mục đích dài hạn, do giá cổ phiếu hiện nay đã ở mức thấp trong khi các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, bất động sản giờ đã giảm mức hấp dẫn và tăng mức rủi ro tương đối so với chứng khoán.
Trong năm 2011, ngành nào được dự báo là khả quan và ngành nào sẽ chịu nhiều rủi ro, thưa bà?
Với giả định về điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD, ngành xuất khẩu sẽ được hưởng tác động tích cực và những ngành nghề bị tác động tiêu cực nếu phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào trong quá trình sản xuất - kinh doanh.
Như vậy, những ngành được dự báo có tình hình sản xuất - kinh doanh khả quan trong năm 2011 là ngành thủy sản với doanh thu từ hoạt động xuất khẩu chiếm khoảng 87% tổng doanh thu và ngành cao su tự nhiên với doanh thu từ xuất khẩu chiếm 83% tổng doanh thu.
Còn những ngành nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào chủ yếu là thép (80 - 90%) và sản xuất nhựa (80%) sẽ chịu nhiều rủi ro hơn khi VND có thể tiếp tục mất giá. Dưới tình hình lãi suất có xu hướng tăng như hiện nay, sang năm 2011, những ngành sử dụng vốn vay thấp như cao su, vận tải biển có thể sẽ ít chịu rủi ro hơn những ngành có sử dụng nợ nhiều như sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng…), sản xuất kim loại (luyện và kinh doanh thép).